Những chuyện ghi ở bệnh viện tâm thần - Kỳ 2

Khi trí thức mắc chứng tâm thần

Khi trí thức mắc chứng tâm thần
TP - Một thầy giáo cứ thấy học sinh ho trước mặt mình là lao vào đánh; Một nữ kế toán cứ nửa đêm lại thức dậy nấu cơm và tưởng chồng con là gà… phải làm thịt.  Có nhiều chuyện lạ khi trí thức mắc những triệu chứng tâm thần…

Kỳ 1: Nước mắt của cô trinh nữ có… hai con

Khi trí thức mắc chứng tâm thần ảnh 1
Một trí thức bị tâm thần đang học thêu để hồi phục

Bác sĩ khoa sản nhập viện tâm thần

Khi tôi đến, bác sỹ Trịnh Xuân Lý (*) - Trưởng khoa sản của một bệnh viện ở Hải Phòng đang nằm truyền dịch, nước da nhợt nhạt, hai cặp kính dày cộp không che nổi đôi mắt lờ đờ, vô hồn.

Bác sỹ Bế Thị Hiển bảo Lý đã đỡ nhiều, hôm trước nhập viện, miệng chỉ ú ớ không nói được thành lời, cái đầu cứ ngúc ngắc, nghiêng hẳn sang một bên. Bây giờ thì ít ra vị bác sĩ này cũng đã đủ tỉnh táo để kể cho tôi nghe nguyên nhân khiến mình bị bệnh tâm thần.

Bác sĩ Lý nói - giọng vẫn còn ngọng, rất khó nghe: “Tôi đỗ Đại học Y khoa Hải Phòng, ra trường nhờ chuyên môn tốt nên được đề bạt làm trưởng khoa của một bệnh viện lớn. Tôi lấy vợ là giáo viên cấp 1. Hai vợ chồng sinh được hai cháu gái. Tôi lo cho vợ con từ tương cà mắm muối trở đi, lào ngờ, lào ngờ, ló nại xế...”.  Lý đưa tay đấm thùm thụp vào ngực, giọng ngọng đến mức tôi không còn nghe được gì nữa.

Ông anh rể đi theo chăm sóc Lý bảo: “Thằng này nó bắt đầu lên cơn đấy, cứ nhắc đến vợ con là nó thế. Sau khi vợ sinh hai đứa con gái thì sức khoẻ Lý bắt đầu suy sụp vì lo vay tiền mua đất làm nhà, nợ vẫn chưa trả được. Vợ nó sợ chồng yếu như thế này thì chắc không sinh được con trai nữa, nên bắt đầu lạnh nhạt với chồng và có bồ.

Lý biết chuyện nên ly hôn. Không ngờ vợ và bồ lại bỏ tiền chạy toà án nên Lý mất trắng cả đất lẫn nhà. Trong khi tiền nợ mua đất làm nhà nó vẫn phải gánh. Nó phát bệnh, gia đình chúng tôi đưa đến  nhiều bệnh viện lớn ở trung ương nhưng không khỏi. Cuối cùng, đến đây, gặp thầy gặp thuốc nên đỡ nhiều, hôm qua nó còn rủ tôi đi lên Bờ Hồ để xem “36 phố phường” nữa kia”.

Bác sỹ Lý đã nằm ngủ thiêm thiếp, miệng vẫn lẩm bẩm đọc tên 36 phố phường ở Hà Nội. “Hàng lang, Hàng lào, Hàng nược”, giọng vẫn ngọng líu.

Những người có học thức và địa vị xã hội cao như bác sĩ Lý vào bệnh viện này không phải ít và mỗi người “tâm thần” một vẻ.

Những kiểu “điên” của trí thức…

Hùng là thầy giáo dạy văn giỏi của một trường cấp III ở Hà Nội nhưng vừa bị kỷ luật vì những hành vi rất kỳ quái. Bất cứ một ai ho trước mặt Hùng đều bị thầy giáo này lao vào đánh. Chẳng hiểu sao Hùng lại tin rằng tiếng ho là điềm báo mình sắp chết!

Nhưng không phải ai cũng biết ho trước mặt Hùng sẽ bị đánh và không phải ai biết cũng nín được ho. Nhất là khi thầy giáo Hùng đang giảng bài trong lớp học vào những ngày Hà Nội rét kỷ lục như vừa rồi. Nhiều học sinh ho trong lớp học và Hùng đã đánh, xé vở đến mỏi cả tay.

Dĩ nhiên hành vi đó không thể kéo dài, Hùng bị nhà trường đình chỉ dạy và được người nhà đưa đến bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. Sau một thời gian điều trị, Hùng có thể sáng đi xe buýt đến bệnh viện chiều lại về. Trên xe buýt có ai ho, thầy giáo này cũng im lặng, không lao vào đánh nữa…

Hoa - kế toán của một doanh nghiệp lớn lại “tâm thần” theo cách khác. Đang bình thường, bỗng dưng Hoa sinh ra cái tật nửa đêm thức dậy nấu cơm. Nhưng khi nấu cơm Hoa cứ đinh ninh là mình phải làm thịt gà. Và Hoa cứ lầm tưởng chồng con mình là… những con gà. May mà Hoa chưa kịp chọc tiết “gà”  thì đã được  “gà” đưa  đến bệnh viện tâm thần.

Cũng liên quan đến gà nhưng lại là chuyện khác, Hoàn - sinh viên ngành Toán tin chẳng hiểu sao lại cứ tưởng mình là hạt thóc và nhìn thấy gà là Hoàn hét lên quay đầu chạy vì sợ bị gà nuốt chửng. Nghe tiếng gà gáy, Hoàn cũng bủn rủn cả chân tay…

TS Ngô Thanh Hồi cho hay có hai nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần: Nội sinh và tác động từ bên ngoài.

Ngày càng có nhiều người mắc các chứng tâm thần do sự tác động từ bên ngoài, trong đó trí thức chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Cuộc sống ngày càng gấp gáp, bận rộn, sức ép từ môi trường cạnh tranh khốc liệt đã sinh ra stress, trầm cảm và nếu như không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều triệu chứng nguy hiểm khác như cơ thể suy kiệt, nguy cơ tự tử cao, không kiểm soát nổi hành vi của mình...

Bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho hay trong đời sống có nhiều hành vi bị liệt vào chứng tâm thần nhưng ít ai để ý. Chẳng hạn như một số phụ nữ đã nghiện mua sắm một cách thái quá. Như chị Hương, hướng dẫn viên của một công ty du lịch, có một giai đoạn bỗng mắc bệnh cuồng mua sắm. 

Ngày nào Hương cũng vào siêu thị mua sắm hết khoảng 10 triệu đồng, nếu không chẳng thể nào chịu được.

Mua sắm nhiều đến nỗi phải thuê cả ôtô tải về chất hàng hóa đầy nhà mà không hề dùng đến. Ngày hôm sau lại tiếp tục đi shopping, đến mức có người nói đùa: “Hương đi đến đâu, kinh tế ở đó tăng trưởng”. Người nhà hoảng quá, phải đưa Hương đến bệnh viện tâm thần.

Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cũng đã từng phải tiếp nhận một trí thức mắc bệnh “siêu”  đố kỵ. Cứ mỗi lần đồng nghiệp có một thành công nào đó, dù nhỏ thì ông ta lại bừng bừng giận dữ. Cứ mỗi lần đồng nghiệp hay bạn bè có tin vui thì đối với ông ta đó là tin buồn. Đồng nghiệp bạn bè thành công cũng nhiều, tin vui cũng lắm, khiến cho người đàn ông “siêu đố kỵ” này phải nhập viện tâm thần.

Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi cho biết, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương có 300 mã bệnh tâm thần. Và đi kèm với mỗi một mã ấy là một bệnh án, phía sau mỗi bệnh án là một số phận với nhiều nỗi đau. Tiến sỹ Hồi nhận xét: “Các bệnh nhân của chúng tôi thường thuộc nhóm thế yếu của xã hội. Mà đã  mắc bệnh tâm thần rồi thì thế mạnh cũng thành thế yếu. Một người trí thức khi đã mất trí, loạn trí thì bi kịch lại càng lớn hơn”.

Khi gặp một sang chấn tinh thần nào đó, ranh giới giữa một trạng thái tâm lý bình thường với một trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Nhiều trí thức, và cả quan chức cũng đã  tỏ ra “mong manh dễ vỡ”  khi gặp những biến cố không thuận trong đời. Lúc đó nếu không có những liệu pháp tâm lí kịp thời, có thể dẫn đến bệnh tâm thần hoặc thậm chí tự tử.

Không phải “hết thuốc chữa”

Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi kể, ông đã từng giúp một quan chức cao cấp của ngành dầu khí thoát khỏi kết cục uống thuốc ngủ tự tử. Đó là một quan chức tham nhũng bị truy tố và nêu tên trên báo chí, phải chịu án tù giam. Trong tù ông này trải qua những cơn vật vã tinh thần và chuẩn bị thuốc ngủ tự tử.

Em trai của quan chức đó lại là bạn thân của Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, đã đến nhờ giúp đỡ. Tiến sĩ Hồi suy nghĩ rất lâu và sau đó đưa ra một “đơn thuốc” gồm một số lời tâm tình  ngắn gọn. Sau khi “đơn thuốc” được thực hiện đúng như lời dặn, vị quan chức đó đã nộp lại thuốc ngủ cho trại giam và trở nên ăn ngon, ngủ khỏe.

Những trường hợp vào Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương thường không phải đến mức “hết thuốc chữa”. Họ sẽ được điều trị bằng những liệu pháp thích hợp và kịp thời để trở lại trạng thái bình thường.

Bác sĩ Bế Thị Hiển dẫn tôi xem những phòng điều trị của bệnh nhân. Những  con người  bị nhiều nỗi đau làm cho méo mó cả tinh thần ấy được học hát, học thêu, được nghe nhạc...Tôi thấy nhiều tấm vải được thêu rất đẹp đến nỗi nhìn vào chẳng  ai biết tác giả lại là những bệnh nhân tâm thần. Dường như sự tỉnh táo sẽ được nhen nhóm trở lại trong những cái đầu “không bình thường” kia, qua mỗi đường thêu, qua mỗi bản nhạc, qua mỗi hơi thở thiền.

Các bác sĩ ở đây hết giờ làm việc cũng ở lại tập thiền để tránh nguy cơ bị  tâm thần vì những áp lực của cái nghề vất vả, nguy hiểm mà lại… nghèo này.  Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi tâm sự rằng ông không dám đeo kính nữa vì đã rất nhiều lần bị bệnh nhân đấm vỡ kính. Đó thường là bệnh nhân mới vào viện, đang rất hung hăng, tuy bị tâm thần nhưng cũng đủ tỉnh táo để nhận ra giám đốc bệnh viện để… đấm vỡ kính.

Mùa hè, mùa thi sắp đến, báo hiệu một mùa bận rộn của các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần. Mùa trầm cảm trong học sinh sinh viên đã lặng lẽ đến cùng mùa thi...

* Tên những bệnh nhân tâm thần trong bài đã được thay đổi.

--------------------

Kỳ sau: Khi các cô, cậu tú “điên”

MỚI - NÓNG