Khi trụ sở UBND Cần Thơ bị ngập

Khi trụ sở UBND Cần Thơ bị ngập
TP - TS Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ, cho biết,  Viện đã nghiên cứu phỏng đoán, tình hình ngập đối với 14 công trình trọng yếu ở TP Cần Thơ, khi nước biển dâng, trong đó có trụ sở UBND Cần Thơ, nơi có thể bắt đầu bị ngập trong vòng 40 năm nữa.
Khi trụ sở UBND Cần Thơ bị ngập ảnh 1
Trụ sở UBND TP Cần Thơ, khi nước biển dâng 30cm sẽ bị ngập một phần vào tháng 9, tháng 10.

“Xin giới thiệu vài con số nghiên cứu ở ba công trình điển hình, nằm ven sông Hậu. Đó là cảng Cái Cui có cốt nền 2,5m, sân bay Trà Nóc có cốt nền 2,27m, UBND TP Cần Thơ có cốt nền 1,64m.

Khi nước biển dâng 30cm và 50cm thì cảng Cái Cui và sân bay Trà Nóc không bị ngập.

Còn UBND TP Cần Thơ, khi nước biển dâng 30 cm đã bị ngập nhẹ một phần vào tháng 9, tháng 10; khi nước biển dâng 50 cm thì bị ngập từ 30 – 40cm vào tháng 9, 10 và 11.

Và khi nước biển dâng 100cm, chỉ còn có cảng Cái Cui là không ngập. Lúc đó mực nước cũng vừa ngang cốt nền 2,5m của cảng này”, TS Tuấn nói.

Vậy theo tiến sỹ, cốt nền các công trình xây dựng ở TP Cần Thơ nên cao bao nhiêu để đảm bảo an toàn trong tương lai?

Khi trụ sở UBND Cần Thơ bị ngập ảnh 2
TS Lê Anh Tuấn

Cần cân nhắc giữa mức ngập và quy mô công trình (tuổi thọ, chức năng, kinh tế). Với công trình trọng điểm có tính lâu dài, vĩnh cửu, cốt nền nên 2,5m; các công trình có tuổi thọ 50 – 70 năm, nên xây cốt nền  2,4m; các công trình có tuổi thọ 30 - 50 năm, nên xây cốt nền 2,3m; các công trình có tuổi thọ dưới 30 năm thì áp dụng cốt nền 2 – 2,3m.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, đây chỉ là đề xuất ban đầu. Sắp tới cần có những tính toán chi tiết hơn để quyết định.

Về các công trình xây dựng bị ngập, tại sao tiến sỹ nói đến các tháng 9, 10 và 11?

Đó là các tháng có nguy cơ ngập lụt lớn trong năm, khi nước biển dâng kết hợp với mưa lũ.

Theo các kịch bản nước biển dâng, những năm nào thì nước biển dâng 30cm, 50cm, 100cm? 

Vào thập niên 2050 mực nước biển dâng khoảng 30 cm. Khoảng thập niên 2070 - 2080, mực biển dâng chừng 50cm. Từ năm 2100 nước biển có thể dâng 100cm.

Đây là kết quả mô hình MAGICC/SCENGEN 4.1 và phương pháp chi tiết hóa (downscaling) của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường thuộc Bộ TN&MT công bố cho ba kịch bản thấp, trung bình và cao, các mốc thời gian liên quan đến mực nước biển dâng.

Theo đó, so với thời kỳ 1980-1999, mực nước biển dâng thấp, trung bình và cao, theo thứ tự như sau: Năm 2050 là 28, 30 và 33cm; năm 2070 là 42, 46 và 57cm; năm 2080 là 50, 54, 71cm; năm 2100 là 65, 75 và 100cm.

Ứng với các mức nước biển dâng, bao nhiêu phần trăm diện tích của TP Cần Thơ sẽ ngập lụt? Cụ thể là quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ hiện nay, và hai huyện xa là Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh?

Địa bàn huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh là thấp nhất TP Cần Thơ và hai huyện này sẽ ngập rất nặng.

Chúng tôi mới nghiên cứu, thống kê diện tích cây ăn trái và cây công nghiệp ở các quận, huyện của TP Cần Thơ bị ngập.

Với quận Ninh Kiều, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh, khi nước biển dâng 30cm, tỷ lệ diện tích cây ăn trái và cây công nghiệp bị ngập theo thứ tự là 24,3; 79,5 và 96 phần trăm; khi nước biển dâng 50cm, theo thứ tự là 34,6; 96; 96,3phần trăm. Khi nước biển dâng 100 cm, toàn bộ khu vực này bị ngập.

Nhưng lãnh đạo TP Cần Thơ đang dự kiến lấy 20.000 ha đất trồng lúa ở huyện Cờ Đỏ để xây dựng khu đô thị mới và chuyển trung tâm TP Cần Thơ hiện nay ở quận Ninh Kiều lên đó. Cũng có thông tin dự kiến quy hoạch sân bay lớn ở huyện Vĩnh Thạnh, thay thế cho sân bay Trà Nóc hiện nay. Theo tiến sỹ, có nên triển khai hai dự kiến ấy?

Tôi chưa nghe thông tin này. Khó có thể trả lời câu hỏi này ở thời điểm hiện nay. Lưu ý là các quy hoạch phát triển của TP Cần Thơ hiện nay, chỉ định hướng cho đến năm 2020 và chưa xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Không hẳn là vùng có nguy cơ ngập nước mà chúng ta bác bỏ kế hoạch sử dụng đất dự kiến trong tương lai vì nó còn phụ thuộc vào bài toán kinh tế, kinh phí đầu tư (di dời, san lấp, nâng nền), nguồn quỹ đất, tính khả thi về kỹ thuật, môi trường. Vấn đề là các phương án phải cân nhắc lại cho cẩn thận.

Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ đang chủ trì cùng một số cơ quan thực hiện dự án “Tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá tính tổn thương cho TP Cần Thơ”, một phần hoạt động của mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu do quỹ Rockerfeller tài trợ.

Sáu Nghệ
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.