Khó 'bỏ củi vào lò' nếu luật còn lỗ hổng

TPO - “Lò” đã đỏ lửa, nhưng lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được 'củi tham nhũng' để cho vào lò, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Hà Nội phản ánh.
Khó 'bỏ củi vào lò' nếu luật còn lỗ hổng ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội (ảnh Như Ý)

Thảo luận về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Hà Nội phản ánh tình trạng, những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2. Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2.

“Người dân, dư luận rất xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng phản ánh nhưng không làm gì được vì những người đó thuộc diện không phải kê khai tài sản, thu nhập. Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý”, ông Trí nói

Từ đó, ông Trí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này. Ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản.

“Lò” đã đỏ lửa, nhưng lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò”, ông Trí nói.

Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) thì cho rằng, cán bộ, công chức về pháp lý chúng ta là "thân phận công bộc" cho nên phải chịu sự ràng buộc và giám sát khác với người dân thường.

Theo đó, công chức phải có nghĩa vụ minh bạch tài sản, công khai tài sản và nghĩa vụ giải trình, tức là toàn bộ tài sản và sở hữu thì anh phải giải thích được nguồn gốc từ đâu...

“Nếu không minh bạch và giải trình được thì công chức đó đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và phải bị xử phạt hành chính. Mức chế tài tôi đề nghị áp dụng ở mức phạt bằng tiền từ 51% cho đến 100% số tài sản không giải trình được nguồn gốc”, ông Nghĩa đề nghị.

Thừa nhận những bất cập trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua do chưa có phương án xử tài sản, thu nhập và kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập.

Do đó, Chính phủ đề xuất 2 phương án như trong dự thảo nhằm khắc phục được vướng mắc về pháp lý vì không thể tịch thu tài sản, thu nhập khi nhà nước không thể chứng minh được tài sản, thu nhập đó do hành vi vi phạm pháp luật.

“Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập. Đồng thời thể hiện rõ ràng đây là biện pháp trước mắt và không loại trừ việc xử lý hình sự và tịch thu tài sản thu nhập đối với người kê khai, nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập đó có từ hành vi phạm tội”, ông Khái nói.

MỚI - NÓNG