Khó dự báo được lũ ở hồ chứa miền Trung

Khó dự báo được lũ ở hồ chứa miền Trung
TPO - Theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều Đặng Quang Tính, những hồ chứa nước ở miền Trung hiện không làm được chức năng cắt lũ. Nguyên nhân là do không dự báo được lũ dài hạn tại đây.
Khó dự báo được lũ ở hồ chứa miền Trung ảnh 1
Những hồ chứa nước ở miền Trung không làm được chức năng cắt lũ

Theo ông Đặng Quang Tính, các tỉnh miền Trung sợ thiếu nước nên khi bắt đầu mùa mưa là các hồ chứa tích nước. Khi lũ về thì hồ đã đầy nước trong khi thực tế trước khi lũ về phải có một “khoảng trống” để “cắt lũ” cho hạ du. Chính vì vậy, khi lũ về, để đảm bảo an toàn cho hồ thì phải xả nước. Như vậy hồ làm tăng thêm một lượng lũ xuống cho hạ du.

“Các địa phương kêu rất nhiều về việc khi lũ về ở miền Trung hồ không những không có tác dụng “cắt lũ” mà còn làm tăng thêm lũ, gây khó khăn cho hạ du” - Ông Tính cho biết.

Nguyễn nhân theo ông Tính, là do không dự báo được lũ về hồ. Để làm được điều này, trước đó phải có dự báo về trung hạn và dài hạn. Nhưng nếu không dự báo chính xác thì khi hồ chứa tháo nước mà lũ không về thì hồ chứa sẽ cạn kiệt nước vào mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và cả cuộc sống của người dân.

Chính vì thế, việc dự báo lũ về có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các hồ miền Trung. Nếu làm tốt việc dự báo lũ về thì hồ chứa nước sẽ phát huy tác dụng cắt lũ, giảm bớt khó khăn cho hạ du. 

Khó dự báo

Trước những phản ánh về công tác dự báo lũ của đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão T.Ư, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Bá Trác, Trưởng phòng quản lý dự báo, Trung tâm dự báo Khí tượng, Thủy văn T.Ư (gọi tắt là Trung tâm).

Ông Trác cho biết, từ trước đến nay, việc dự báo lũ trên các sông là bắt buộc, còn dự báo ở các hồ chứa thì chủ yếu Trung tâm làm theo đơn đặt hàng. Đối với việc phòng tránh thiên tai trên các triền sông, Trung tâm chỉ dự báo mực nước ở các điểm chốt trên 20 con sông được Chính phủ quy định. Các Trung tâm dự báo tỉnh đảm nhiệm vị trí dự báo các con sông nằm trên địa phận của mình quản lý.

Đại diện Trung tâm cũng thừa nhận công tác dự báo cho các lưu vực nhỏ, sông nhỏ, suối nhỏ là việc làm rất khó vì điều kiện khí hậu thủy văn của miền Trung rất phức tạp. Điều này do các đặc điểm sông ngắn, lưu vực nhỏ, núi nhiều, độ dốc sông lớn, nên thời gian dự báo lũ đối với hạ du thường chỉ dự báo được từ 6 đến 12 tiếng, có trạm thượng nguồn chỉ vài ba tiếng.

Hơn nữa, do không có đầy đủ mạng lưới trạm đo mưa và mạng lưới trạm đo thủy văn nên việc dự báo được là rất khó.

“Chúng ta thiếu rất nhiều số liệu về mực nước, mưa, nghiên cứu cho các vùng này còn hạn chế. Vì vậy dự báo cho khu vực miền Trung ở trung tâm chúng tôi chỉ trên phương diện cảnh báo là chính” - Ông Trác nói.

Cũng theo ông Trác, cho đến nay, công tác dự báo hạn ngắn cho các sông ở Bắc Bộ đạt từ 80 - 90%, còn công tác dự báo hạn ngắn của Trung Bộ đạt từ 65 - 75% và thời gian dự kiến cũng không dài. Các sông ở Bắc Trung Bộ dự báo từ 12 - 24h, các sông ở Trung Trung Bộ trở vào thời gian dự báo từ 6 - 12 giờ, có sông chỉ dự báo từ 3 - 6 giờ.

Ông cũng thừa nhận, từng xảy ra hiện tượng không chính xác về công tác dự báo lũ ở miền Trung. “Với các nhà quản lý hồ chứa vì thời tiết của ta vào mùa hạn cũng nguy hiểm nên tâm lý tích đầy, thừa mới xả, nên trong đợt vừa qua cũng làm tăng mực nước vùng hạ du” - Ông Trác nói.

MỚI - NÓNG