Khó hiểu

TP - Gần tuần nay, dư luận nóng lên việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine” cho Công ty Cổ phần Thế Diệu, có vốn đầu tư nước ngoài.

Chưa cần đến một điều tra xã hội học công phu, chỉ cần lướt qua phản ứng trên diễn đàn mạng thì có thể thấy hầu hết con dân đất Việt đều phản ứng dự án này cũng như cách tiếp nhận, mời gọi, cấp phép đầu tư của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế. Càng đọc những bày tỏ bức xúc của cộng đồng càng nhận thấy, có nhiều điều không ổn trong việc cấp phép đầu tư cho dự án nhạy cảm này.

  

Một giả định đặt ra, nếu không có sự lên tiếng của UBND TP Đà Nẵng về “2 công trình xây dựng trái phép tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế”, thì dư luận liệu có biết ở cái nơi được mệnh danh là “yết hầu” của dải đất chữ S, vị trí trọng yếu về quốc phòng này đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho các Cty nước ngoài xây dựng các khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD?

Hơn một năm trước, ngày 24/10/2013, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này. Và để khẳng định việc cấp phép đầu tư của mình có sự cân nhắc, cẩn trọng và hoàn toàn đúng, trong buổi họp báo chiều 20/11, ông Nguyễn Quê, Phó trưởng Ban phụ trách Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thay lời các quan chức có trách nhiệm của tỉnh này khẳng định rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thẩm định các thủ tục trước khi cấp phép với thời hạn 50 năm cho dự án này. Trước đó, ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cũng trả lời trước truyền thông một số câu hỏi liên quan đến dự án. Ông Cao khẳng định đã làm đúng quy trình và lo ngại việc thu hồi dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tổn thất cho các bên…   

Việc phản ứng của TP Đà Nẵng chắc chắn không từ nguyên do đây là vùng tranh chấp về địa giới hành chính của hai tỉnh mà ở sự lo ngại về vấn đề chiến lược phòng thủ của Đà Nẵng bị đe dọa nói riêng và an ninh biển đảo quốc gia có nguy cơ bị xâm hại nói chung.

Trước vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quá nhạy cảm bị kinh tế hóa đơn thuần buộc các nhà quân sự, tướng lĩnh phải lên tiếng. Trong rất nhiều ý kiến quan ngại, đáng chú ý hơn cả là quan điểm của Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, ông bày tỏ: “Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng!”.

Trong rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, thống nhất là thái độ bức xúc và lấy làm khó hiểu trước quyết định cấp phép đầu tư của lãnh đạo Thừa Thiên-Huế. Việc để cho doanh nghiệp nước ngoài, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp Trung Quốc vào những vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng ở Hải Vân là khá ngây thơ và hồn nhiên trong nhận thức khi chúng ta đang tăng cường ý thức cảnh giác và củng cố lực lượng để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp trên biển Đông và trong khu vực để duy trì hòa bình và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.

Bài học Mỵ Châu, Trọng Thủy vẹn nguyên tính thời sự và mãi nhức buốt trong mỗi trái tim con dân Việt. Lãnh đạo Thừa Thiên- Huế ắt cũng trong mạch nguồn ấy.


MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.