Khó hoàn thành việc cấp 'sổ đỏ' trong năm 2008

Khó hoàn thành việc cấp 'sổ đỏ' trong năm 2008
TP - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh cho rằng, “hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2008 là không thực tế, nên lùi đến năm 2010”.
Khó hoàn thành việc cấp 'sổ đỏ' trong năm 2008 ảnh 1
Đăng ký thủ tục cấp "sổ đỏ" tại Hà Nội - Ảnh: Tuổi trẻ.

Với 26 ý kiến phát biểu tại hội trường, Quốc hội đã dành cả ngày làm việc hôm qua (6/11) để “mổ xẻ” các hạn chế trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp của Quốc hội nhằm góp sức cùng Chính phủ sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện để quản lý đất đai đi vào nề nếp, tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.

Cuối buổi thảo luận, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: Sẽ phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc Quốc hội ra một Nghị quyết riêng về vấn đề này!

Nhà, đất có quá nhiều loại giấy: Do “vênh” luật?

Các ĐBQH cũng đề cập thực trạng đang tồn tại 4 loại giấy chứng nhận về nhà đất đã khiến cho người dân gặp khó khăn, dẫn đến quá trình thực hiện đăng ký không thống nhất ở nhiều cơ quan khác nhau với nhiều mẫu giấy khác nhau.

Những quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hay thay đổi, tạo nên thủ tục hành chính phức tạp, vừa gây tốn kém về thời gian, công sức của người dân, vừa gây khó khăn cho cả các cơ quan công quyền. 

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây bức xúc ở các đô thị là chủ yếu, vì đất đai có giá và làm sổ xong, người dân còn thế chấp vay vốn để làm ăn.

Ông Thanh cho rằng, một vấn đề bắt nguồn từ Điều 48 của Luật Đất đai năm 2003. Khoản 1, Điều 48 quy định: “Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản”, như vậy là chỉ “ghi nhận” chứ không “công nhận”!

“Nhà cửa của người ta bỏ tiền ra người ta làm, mình chỉ ghi nhận mà không công nhận quyền sở hữu của người ta thì vô lý đến cỡ nào?” - Ông Thanh nói. 

Đến năm 2005, chúng ta ban hành Luật Nhà ở. Khoản a, Điều 11 Luật Nhà ở có ghi: “Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”.

Tại Điều 11 Luật Nhà ở năm 2005 ghi: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được gọi chung là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”. Sau khi có Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ra đời Nghị định 90 ngày 16/9/2006, ghi câu: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm in ấn phát hành giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo mẫu để áp dụng thống nhất trong cả nước”.

“Như vậy, Luật Đất đai nói rất rõ, nhưng đến Luật Nhà ở  lại “vênh” và cuối cùng một hồi không thấy đất đai đâu, chỉ thấy nhà thôi. Cũng từ đây, hai ngành tài nguyên và môi trường, ngành xây dựng tranh luận triền miên bất cập một sổ, hai sổ, thêm tư pháp, thêm “sổ xanh” nữa, thêm nữa dân người ta rối. Vấn đề là một giấy thống nhất, giao trong Bộ Tài nguyên - Môi trường làm thì đỡ rối” - Ông Thanh kết luận.

Kinh nghiệm Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh cho biết, Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tới 97% yêu cầu, bởi vì Đà Nẵng nhập bộ phận quản lý nhà của Sở Xây dựng vào Sở Tài nguyên - Môi trường và chỉ giao cho một Sở này làm giấy tờ về nhà đất. Sau này theo luật, có giao cho các quận cấp giấy cho cá nhân.

Thứ nữa, Đà Nẵng  không làm “sổ đỏ” rồi chờ người dân đủ điều kiện mới giao như các tỉnh khác, nên Đà Nẵng không có việc tồn đọng “sổ đỏ”.

“Nếu người dân đủ điều kiện thì cấp giấy, chưa đủ điều kiện thì hơi sáng chế ra một tý gọi là “giấy trắng” - tức là giấy chứng nhận cấp tạm thời - để quản lý về đất đai, còn khi nào anh đủ tiền, làm đủ nghĩa vụ tài chính thì anh lấy “giấy trắng” đi đổi “sổ đỏ”. Khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì không giao “sổ đỏ”.

Hoàn thành cấp “sổ đỏ” trong năm 2008: Khó khả thi!

Nhiều đại biểu băn khoăn về kế hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2008 đối với mọi trường hợp đang sử dụng đất mà chưa đăng ký.

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng, tỷ lệ còn lại tuy là ít, nhưng tính chất phức tạp nhiều, nên còn nhiều khó khăn vướng mắc và thời gian hoàn thành cơ bản có thể sẽ kéo dài hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp đề nghị cần cân nhắc thời điểm để quyết định hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, “hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2008 là không thực tế, nên lùi đến năm 2010”.

Ông Thanh nói: “Tôi nghĩ Quốc hội nên lùi đến năm 2010 đã là cố gắng lớn, còn nói năm 2008 thì người ở đâu kinh phí ở đâu? Hàng loạt các tỉnh nghèo lấy kinh phí ở đâu bỏ ra làm, trong khi công việc làm gần hết rồi thì chi tiền đó làm gì, không khéo hỏng cán bộ, đo rồi, đo lại lấy tiền.  

MỚI - NÓNG