Khó khăn trong việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm

Khó khăn trong việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm
TP - Cuối tuần qua, tại TPHCM, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng đại diện tòa án nhân dân (TAND) TPHCM và các quận huyện cùng “ngồi lại” bàn về vấn đề bảo hộ bản quyền phần mềm.

Mặc dù xác nhận đang có chiều hướng giảm, nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định Việt Nam vẫn là nước đứng hàng đầu thế giới, trên cả Trung Quốc, vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ vi phạm đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vũ Mạnh Chu- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, các quy định pháp luật của chúng hiện đang “đá” nhau và không đúng với quy định của quốc tế. Chẳng hạn, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp quy định mức xử phạt từ 1 đến 5 lần giá trị vi phạm.

Trong khi đó, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính chỉ cho phép phạt tối đa 100 triệu đồng. Vì vậy, nếu “xử” theo Nghị định thì rất nhiều trường hợp mức phạt sẽ vượt quy định của Pháp lệnh, điều đó cũng có nghĩa là phạm quy. Ngược lại “chỉ phạt theo Pháp lệnh thì mức phát quá nhẹ, không đủ sức ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền”- Ông Chu đánh giá.       

Tiền tác quyền: Được chừng nào, tốt chừng ấy

Ông Chu cũng đưa ra một thông tin vui, trước Tết Mậu Tý 2008, Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc đã ký hợp đồng nguyên tắc với khoảng 50 khách sạn lớn tại Việt Nam (đa phần là các khách sạn có vốn đầu tư nước ngoài) về việc trả tiền tác quyền âm nhạc.

Và ngay trong tháng 2 vừa qua, Trung tâm cũng đã tiến hành ký hợp đồng khai thác các tác phẩm âm nhạc với tất cả các khách sạn này và tổng giá trị hợp đồng khoảng 2 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Chu, dự kiến trong năm 2008 trung tâm này sẽ ký hợp đồng khai thác được khoảng 1 triệu USD. Ngoài ra, cũng theo ông Chu, Hiệp hội các nhà thu âm Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về vấn đề sử dụng tác quyền âm nhạc với nhiều cơ sở kinh doanh.

Mặc dù tình trạng vi phạm bản quyền rất phổ biến, song theo ông Chu: “Hai mươi năm qua cả nước mới chỉ có 20 vụ kiện về vị phạm bản quyền phần mềm”. Sở dĩ số lượng vụ kiện quá khiêm tốn, chủ yếu là do người dân không có thói quen “đưa nhau ra tòa” mà chủ yếu là tự thương lượng với nhau.

Tuy không nhiều về số lượng, song việc giải quyết tranh chấp bản quyền tại tòa án cũng gặp khó khăn không kém. Ông Chu xác nhận, có nhiều vụ phức tạp nên thời gian xét xử kéo dài, có vụ đến 4-5 năm chưa xong.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sự- Phó Chánh án TAND TPHCM băn khoăn vì chưa biết làm thế nào để xác định mức độ thiệt hại do việc vi phạm bản quyền gây ra. Theo ông Sự, các nước có quy định rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền.

Theo đó, mỗi một bản quyền bị vi phạm, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt một mức phạt nhất định. Trong khi đó, tại Việt Nam, người bị vi phạm bản quyền phải chứng minh được mức độ thiệt hại do người vi phạm gây ra. “Yêu cầu chứng minh này là cực kỳ khó”- Ông Sự nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).