Khổ như đi lại dịp Tết: Tung chiêu 'om vé'

Hầu hết các cửa vé tại Bến xe Mỹ Đình đều chưa bán vé Tết. Ảnh: Sỹ Lực.
Hầu hết các cửa vé tại Bến xe Mỹ Đình đều chưa bán vé Tết. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến đợt cao điểm đi lại dịp Tết, nhưng vé xe khách hầu như vẫn chưa được bán dù khách muốn có vé. Đây là chiêu “om” vé của các nhà xe để bắt ép khách trả giá cao trong những ngày tới...

Không bán vé

Sáng 27/1 (tức 18/1 âm lịch), tức chỉ còn vài ngày nữa sẽ bắt đầu đợt cao điểm Tết, Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) vắng hơn cả ngày bình thường. Các cửa vé, nhân viên ngồi trực nhưng không có nhiều khách đến mua. Vào cửa bán vé tuyến Hà Nội - Đà Nẵng hỏi mua vé đi vào đầu tuần tới, nhân viên lắc đầu: “Anh đợi đến ngày đó mua luôn, hiện không nhà xe nào gửi vé bán”. Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ bến xe xác nhận: Đến thời điểm này, chưa có nhà xe nào gửi vé cho bến để bán đợt Tết, giá vé tăng hay không bến vẫn chưa được biết.

“Không bán vé xe sớm chắc chắn sẽ phát sinh việc các nhà xe tự ý tăng giá vé, gây khó khăn cho hành khách dịp Tết. Trong khi chưa có quy định bắt buộc các nhà xe bán vé xe khách trước Tết, các lãnh đạo bến xe cần họp với các doanh nghiệp để triển khai việc này sớm”.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ

Tại Bến xe Mỹ Đình, tình hình cũng tương tự. Ngoại trừ nhà xe Văn Minh (chạy tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh) đã bán hết vé từ nhiều tuần nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều chưa bán vé Tết. Hỏi mua vé xe Tết đi Lào Cai ngày 27/12 âm lịch, nhân viên của Vietbus cho hay, chưa có lịch bán. Tương tự như vậy, nhiều nhà xe đi Quảng Ninh như Kumho - Việt Thanh, Đức Phúc vẫn chưa bán vé. “Đến hôm đó, chị cứ ra đây, chắc chắn sẽ có vé, không phải lo lắng gì”, nhân viên bán vé tại đây nói.


Tuy nhiên, hành khách đi lại dịp Tết lâu năm, không thể không lo lắng trước tình trạng găm vé Tết. Anh Nguyễn Anh Tuấn, kỹ sư tin học quê Nghệ An nói: “Đến ngày đi mới ra mua vé không khác nào chơi số đề. Đến sớm còn mua được, muộn hầu như không có. Hầu hết các nhà xe không bán vé, cứ cho khách lên thẳng. Khi xe di chuyển được vài chục km, nhà xe mới phát giá. Giá cao gấp đôi ngày thường là bình thường. Lúc đó, khách như cá vào rọ, muốn khiếu nại cũng không có cơ sở vì không có vé trong tay”.

Tranh thủ mùa kiếm ăn

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo các bến xe và một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không bán sớm vé Tết vì mô hình kinh doanh vận tải lâu nay manh mún; các hộ cá nhân mua xe rồi mượn thương hiệu các HTX, doanh nghiệp vận tải. Vì thế, không thể thống nhất được phương án bán vé giữa các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nguyên nhân vì ngay cả các nhà xe thương hiệu lớn cũng không có ý định bán vé Tết sớm.

“Ngày Tết, một chiều đông khách, một chiều hầu như không có nên nhà xe phải tăng giá vé để bù lỗ. Có điều các nhà xe “âm thầm” tăng làm khách cảm thấy không yên tâm. Ngoài ra, Tết là mùa làm ăn nên các nhà xe tranh thủ, kiếm thêm được bao nhiêu thì kiếm” - một chủ doanh nghiệp vận tải cho hay.

Trong đợt kiểm tra của Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT tại Hà Nội vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền nói: Trong khi máy bay và tàu hỏa đã hướng đến việc bán vé sớm lâu nay thì vận tải hành khách vẫn triển khai việc này rất chậm. Theo bà Hiền, hiện chỉ có doanh nghiệp Văn Minh ở miền Bắc và Phương Trang ở miền Nam thực hiện tốt nhất việc bán vé Tết sớm. Bà Hiền cho rằng, việc bán vé sớm chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn bài bản, không gây khó khăn cho hành khách. Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp bắt buộc doanh nghiệp thực hiện việc này.

MỚI - NÓNG