Kho sử sống Lý Sơn

Kho sử sống Lý Sơn
TP - Tự nhận mình học hành "không đàng hoàng". Nhưng cả đời lão luôn đau đáu một điều làm sao có thể bảo vệ, lưu truyền những tài liệu sử sách về "bảo tàng sống Hoàng Sa" trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Lão là Phạm Thoại Tuyền (67 tuổi, xã An Vĩnh, Lý Sơn)

Biết bao lần cánh báo chí chúng tôi ra huyện đảo rồi ăn dầm ở dề tại nhà lão. Lão ra chiều phấn khởi: “Các anh đến hỏi tôi về những vấn đề văn hóa lịch sử tôi vui một nhưng cùng theo các anh để biết thêm những tư liệu, phát hiện mới bổ sung vào kho sử Hoàng Sa trên đảo Lý của chúng tôi, tôi vui gấp mười".

Lần nào cũng thế, ông lão Phạm Thoại Tuyền hăng hái dẫn anh em ra khu mộ gió, giới thiệu bài bản  về các Âm Linh tự, đến nguồn gốc các lễ Khao lề tế lính… như những biểu hiện sinh động về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đang được người dân lưu truyền, gìn giữ. Bất cứ bài báo, tư liệu mới nào liên quan đến quần đảo này, lão đều cẩn trọng in ra rồi đóng khung treo trên tường hay cẩn thận cất trong tủ kính.

Kho sử sống Lý Sơn ảnh 1Không nơi nào từ các âm linh tự, đến từng ngôi mộ gió, các lễ hội lại phản ánh về chủ quyền Hoàng Sa mạnh mẽ như ở Lý Sơn.Kho sử sống Lý Sơn ảnh 2

Lão tự hào vì từng được tiếp xúc các đoàn khảo cổ, nghiên cứu của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Nhã – Trưởng ban điều hành tủ sách Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hay Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VH–TT–DL Quảng Ngãi…

Gọi lão là nhà khảo cổ làng, không sai. Căn phòng rộng vài chục mét vuông từ lâu đã trở thành gian bảo tàng sống động. “Ngày trước, những đồ vật này ở Lý Sơn không hiếm, nhưng người dân chưa ý thức hết được giá trị của những cổ vật này nên khi khai khẩn lại đất để trồng tỏi, nông nghiệp, nhiều người đã đem cho, bán rẻ hoặc vứt vung vãi. Tôi thấy xót quá vì đây là những tầng lớp văn hóa của các vị tiền nhân nên tôi tìm mọi cách để gom góp lại làm thành bảo tàng nhỏ cho riêng mình" – Lão Tuyền bộc bạch.

Từ năm 1975, lão bắt đầu say sưa tìm tòi, nghiên cứu về những cổ vật ở Lý Sơn. Nghe thấy bất kỳ ở đâu người dân phát hiện ra các hũ, nồi, bình vôi lão lại vội vàng tìm đến. Thậm chí không ít lần, lão phải bán vội cả vụ tỏi, vay mượn tiền để mua những cổ vật quý trước khi bị thất lạc. Đến nay, lão có hàng nghìn cổ vật từ chén, bát, lư hương đến các ấn tín được bài trí trang nghiêm, trong đó có nhiều cổ vật niên đại đến cả vài nghìn năm tuổi.

Cẩn thận lấy ra từng cổ vật từ hũ tỏi, bình vôi, nồi, tượng thần văn hóa Chăm, ông lão Tuyền cho biết: Nhiều cổ vật quý tôi sưu tầm nhưng sợ mình bảo quản không được chu đáo nên đã nhiều lần tôi hiến tặng cho Bảo tàng Quảng Ngãi để bổ sung vào các tư liệu khẳng định bề dày văn hóa của huyện đảo Lý Sơn.

Kho sử sống Lý Sơn ảnh 3
Nhà sử làng Phạm Thoại Tiền say sưa kể về tư liệu chủ quyền  Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Huy

Giữ sử Hòang Sa

Tấm An Nam Đại Quốc họa đồ được treo khá nổi bật tại gian trưng bày ngay phòng chính diện. Lão không chỉ tự hào được đích thân Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, trong lần ra thăm huyện đảo tặng tấm bản đồ mà còn bởi những giá trị to lớn của nó.

“Đây là chứng cứ hiếm quí vừa khách quan vừa cụ thể để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, được giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838 vẽ rất cụ thể tọa độ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt trên bản đồ này không ghi bất cứ hòn đảo nào của nước ngoài" - Ông lão cho biết.

Dòng ký ức dập dồn về, giọng ông lão làng đảo thâm trầm bên trang sử: Sử liệu cũ cũng kể rằng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa.

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165, đã chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công ngày 12-2-1836 rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc làm cột mốc...

Tay lão run run lật mở từng trang sử quý do chính mình sưu tập được về Hoàng Sa: Thường mỗi thuyền ra Hoàng Sa chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa bây giờ). Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ…

Dẫn chúng tôi ra thắp hương tại ngôi mộ gió của Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, lão tự hào tâm sự: “Sử sách còn lưu năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ… Trong chuyến đi cuối cùng, Chánh đội trưởng không thể trở về do biến dữ, người dân lập ngôi mộ gió để thành kính thờ cúng, tri ân công đức của các vị tiền nhân.

Tôi tự hào là con cháu mấy đời của Chánh đội trưởng, tuy không theo nghiệp ngư phủ dong thuyền ra biển nhưng mong ước làm sao có thể lưu truyền được những tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa để các thế hệ con cháu sau này càng thêm tự hào về tổ tiên, nối truyền các truyền thống tốt đẹp và nhất là ý thức về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa không bao giờ có thể suy chuyển".

MỚI - NÓNG