Khó từ chức vì bổng lộc lớn

TPO - “Lâu nay thường có tâm lý là môt người làm quan thì cả họ được nhờ nên chuyện từ chức nặng nề lắm”, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về đề xuất quy định từ chức trong luật.

Khó từ chức vì bổng lộc lớn ảnh 1 ĐBQH Đỗ Văn Đương.  Ảnh: Như Ý

Theo ông tại sao việc từ chức tại Việt Nam lại là "chuyện không dễ"?

Lâu nay thường có tâm lý là "một người làm quan cả họ được nhờ" nên chuyện từ chức rất nặng nề. Có thể trước xã hội, trước cơ quan, người ta rất mạnh dạn. Nhưng trước gia đình, hàng xóm, người ta lại thấy chuyện từ chức trở nên nặng nề. Phấn đấu như thế tự nhiên “tuột xích” là một sự hẫng hụt ghê gớm. Sức nặng của dư luận, gia đình, hàng xóm nên nhiều khi người ta không dám từ chức. Họ sợ bị mọi người nghĩ rằng từ chức là do phẩm chất đạo đức kém. Thứ hai người ta không dễ từ chức vì chức vụ đem lại cho họ nhiều tiền bạc, danh vọng và bổng lộc.

Hiện đã có quy định số cấp phó ở mỗi bộ, ngành, đơn vị tuy nhiên điều này không được thực hiện nghiêm mới dẫn đến tình trạng “lạm phát” cấp phó. Vậy theo ông trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có nên quy định cụ thể mỗi bộ, ngành được bao nhiêu cấp phó hay không?

Theo tôi, tốt nhất là nên quy định cứng trong luật để sau này không phải ban hành nghị định, thông tư. Quy định rõ trong luật để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Chính sự tùy tiện trong vận dụng vì lợi ích của một số người, đôi khi khiến xã hội phải chi phí rất lớn.

Vậy ông nhìn nhận thế nào tình trạng “lạm phát cấp phó”?

Thực chất cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc. Có những công việc cấp phó lại là người quyết định chứ không phải cấp trưởng. Nhưng nhiều cấp phó quá lại làm phân tán nguồn lực, việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất. Đó là chưa nói đến chi phí cho cấp phó cũng rất lớn và dưới cấp phó còn có bộ máy giúp việc. Như vậy, chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn. Trong khi đó công việc lại ách tắc - vì nếu một người làm thì nhanh nhưng cái gì cũng tập thể thì công việc sẽ bị ì ạch.

Ngoài cấp phó hiện nay cũng có tình trạng “lạm phát” các Tổng cục trong các bộ, ngành?

Phải thu gọn lại chứ không thể để chỗ nào cũng có Tổng cục. Thông thường bộ máy được quy định dưới Bộ là các cục, vụ, viện thế nhưng bây giờ lại sinh ra một cấp trung gian nữa là cấp Tổng cục. Nghĩa là bộ máy sinh ra một anh Tổng cục trưởng. Anh này kém Thứ trưởng một tí nhưng lại trên Vụ trưởng. Theo tôi, muốn phải tinh giản bộ máy gọn nhẹ thì phải bớt cấp trung gian, bớt cấp phó.

Không chỉ cấp bộ, nhiều xã phường hiện nay cũng có đến vài trăm cán bộ, trong khi dân số không quá đông?

Bộ máy hành chính cấp xã cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ để tinh giản. Tinh thần là nên giảm chức vụ. Sinh ra nhiều quá thì lấy đâu kinh phí mà nuôi.

Thực chất lương công nhân viên chức rất thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn tìm mọi cách vào cơ quan nhà nước làm việc?

Làm lao động bên ngoài nhiều rủi ro hơn vì doanh nghiệp hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể phá sản, giải thể. Thực chất làm ở bên ngoài lương cũng rất thấp như công nhân đi làm từ sáng đến tối nhưng lương như thế nào thì ai cũng biết.

Hơn nữa, công chức tuy lương thấp nhưng ở nhiều nơi vẫn cuộc sống có thể khá giả vì người ta không hẳn sống bằng lương. Vì vậy người ta mới tìm vào nhà nước để nhằm vào thứ khác nữa.

Ngoài ra, còn có tâm lý vào cơ quan nhà nước để phấn đấu làm lãnh đạo, để có quyền hành. Khi có quyền, thì anhcó điều kiện để thu nhập cao hơn.

Bản thân ông đã bao giờ tìm cách để chạy, hay xin việc cho con cái, người thân vào cơ quan nhà nước làm việc hay chưa?

Tôi không xin cho ai trong gia đình. Cũng có người nhờ nhưng tôi bảo tôi không có quyền quyết định, không nhờ được đâu. Có chăng tôi chỉ giới thiệu cho một hai trường hợp để họ nộp hồ sơ vào dự tuyển. Thậm chí có trường hợp tôi còn phải nói dối là không có chỉ tiêu tuyển để họ khỏi nhờ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.