Khó từ chức vì không rõ trách nhiệm

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời phỏng vấn. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời phỏng vấn. Ảnh: Như Ý
TP - Vì sao việc từ chức ở Việt Nam lại khó khăn như vậy? Có nên đưa những quy định từ chức vào trong luật?... Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng quy định về từ chức đã đưa vào Luật Cán bộ công chức nên không đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có cán bộ nào từ chức, thưa ông? 

Nói không có cán bộ nào từ chức thì cũng cần nhìn rộng hơn. Tiến tới luật pháp phải quy định rõ, mỗi chức danh có chức năng nhiệm vụ thế nào cho rõ. Khi chức trách rõ ràng rồi thì bất kỳ một người nào có tự trọng, khi nhận nhiệm vụ gì thì cũng phải cân đong đo đếm cẩn thận. Hiện nay việc phân công nhiệm vụ giữa cá nhân và tập thể không rõ ràng. Có thể anh phải thực hiện quyết định của người khác, thậm chí thực hiện quyết định của cả một tập thể. Như vậy, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người được.

Từ 2008 đến nay chưa có cán bộ từ chức thì thực tế nó như vậy. Tuy nhiên, tôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ chặt chẽ, các quy định của Hiến pháp sẽ được quy định cụ thể trong các luật. Tôi nghĩ rằng tiến tới việc từ chức sẽ đến.

Có ý kiến cho rằng quy định về từ chức trong Luật Tổ chức Chính phủ sẽ đề cao được trách nhiệm của cán bộ. Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra nhưng không tìm được ai chịu trách nhiệm?

Không chỉ nên xoáy sâu vào Luật Tổ chức Chính phủ. Ngay cả các đại biểu Quốc hội, không phải ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Đại biểu Quốc hội chính là chính khách được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất. Vì vậy, chỉ nên quy định chung chứ không nên xoáy vào Luật Tổ chức Chính phủ hay Luật Tổ chức Quốc hội.

Ở một số nước, quan chức sẵn sàng từ chức sau khi có những khiếm khuyết, sai phạm còn ở Việt Nam tại sao lại không thực hiện được điều đó?

“Tiến tới luật pháp phải quy định rõ, mỗi chức danh có chức năng nhiệm vụ thế nào cho rõ. Khi chức trách rõ ràng rồi thì bất kỳ một người nào có tự trọng, khi nhận nhiệm vụ gì thì cũng phải cân đong đo đếm cẩn thận”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Bên đó có chế độ đa đảng. Chỉ cần người ta phát hiện ra trong hoạt động bầu cử có sử dụng tài chính bất minh thì cũng phải từ chức. Ví dụ như sự việc nữ bộ trưởng của Nhật Bản phải từ chức sau khi có những thông tin sai phạm trong bầu cử. Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo duy nhất và công tác cán bộ là công tác số một của Đảng. Đảng giao nhiệm vụ cho anh, khi anh từ chức phải báo cáo tổ chức. Đảng giao nhiệm vụ, ra Trung ương biểu quyết và đưa ra cơ quan Quốc hội để phê duyệt. Trừ khi anh sai phạm rõ ràng.

Thời gian qua, một số địa phương, bộ ngành có những sai phạm, có trách nhiệm của người đứng đầu. ĐBQH cho rằng quy định về từ chức thực chất là cho anh rút lui trong danh dự?

Vấn đề này cần phải hiểu sâu thêm. Tôi ví dụ, nếu các bạn gọi tôi là tư lệnh trong ngành Tư pháp thì không đúng. Tôi chỉ đứng đầu Bộ Tư pháp thôi. Tư pháp ở địa phương không phải do tôi quản lý, việc pháp chế ở các Bộ không phải do tôi quản lý. Tôi nói nhưng họ có làm hay không là một câu chuyện khác. Ở các nước, họ quản lý theo ngành dọc. Tư pháp là công việc của trung ương. Vì vậy, kể cả hộ tịch viên ở các xã cũng là người của trung ương cử xuống đó làm nhiệm vụ hộ tịch. Vì vậy, nhất nhất người đó không thể làm sai lời Bộ trưởng. Ở Việt Nam, cán bộ hộ tịch là người giúp việc cho ông chủ tịch xã, phường. Ông chủ tịch nói thế nào thì phải theo thế đấy.

Vậy thì làm sao tôi chịu trách nhiệm được. Ở đây, việc phân cấp, phân quyền phải rõ thì mới đảm bảo người đứng đầu có quyền hạn và chịu trách nhiệm toàn vẹn.

Cảm ơn ông.

Cần quy rõ trách nhiệm cả cấp phó

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã nhấn mạnh: Quy định về từ chức là cần thiết, vì đấy là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Không những cần cụ thể hóa quy định từ chức, ông Nhã cho rằng cấp phó cũng cần phải chịu trách nhiệm tương ứng với quyền hạn được giao.

Ông Nhã phân tích, trong cơ quan nhà nước đôi khi phó làm nhưng trưởng phải chịu, có khi Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng nhưng Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm. Cho nên luật cần ghi rõ, cấp phó cũng phải chịu trách nhiệm, nếu ký nhân danh cấp trưởng. “Tôi nghĩ quy định chung về từ chức là cần thiết, từ các chức danh trong bộ máy, từ Quốc hội cho đến Chính phủ, nếu cần có thể từ chức. Vì đấy là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng để từ chức được thì ngoài quy định trong luật, phải có văn hóa từ chức. Tôi hy vọng những gì các nước đã làm được thì chúng ta có thể tiếp cận và dần dần sẽ làm” – ông Nhã nói.

Nguyễn Tuấn

MỚI - NÓNG