Khổ vì 'bỗng dưng' thoát nghèo?

Khổ vì 'bỗng dưng' thoát nghèo?
TPO - Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, một thính giả bày tỏ sự "ngạc nhiên' khi gia đình 'bất ngờ' thoát nghèo.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

Một người dân ở tỉnh Trà Vinh nhưng lại là câu chuyện khá điển hình cho tiêu chí phân loại và cách ứng xử với hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Lá thư của một thính giả tên là Sơn Thị Mừng, là một hộ nghèo ở ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Gia đình chị Mừng cho biết đã 2 năm qua được xếp vào diện hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 2 lần tiền dầu và tiền ăn Tết 100.000 đồng/người. Tuy nhiên, mới đây gia đình chị bất ngờ được “thoát nghèo”. Xin được trích nguyên văn thư của chị như thế này: “Gia đình tôi hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đất đai không có, nước sạch cũng không, điện thì câu từ hộ nghèo khác, chồng là bộ đội phục viên nghèo về đi làm thuê, hai đưa con còn nhỏ, hay đau ốm. Hộ của tôi như vậy cho thoát nghèo hay không?”. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về trường hợp này.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Đây là một trường hợp cụ thể, tôi cho rằng cũng không phổ biến lắm, nhưng với trường hợp như trên cần phải xem xét lại. Vì tiêu chí xét công nhận hộ nghèo thì có tiêu chí của Chính phủ và điều kiện để thoát nghèo thì cũng có tiêu chí để đánh giá.

Tất cả hai vấn đề này phải từ cộng đồng bình xét, tức là nơi cư trú phải công nhận, xác định hộ đấy là nghèo đúng với tiêu chí của Trung ương thì công nhận đây là hộ nghèo. Khi nào thoát nghèo, thì phải đảm bảo chuẩn nghèo thì tôi cho rằng đây không phải là tiêu chí xác định thoát nghèo, đây chỉ là tiền Chính phủ cho ăn Tết thôi, nên cần phải xem lại trường hợp này.

Và gửi câu hỏi đến, tôi cũng xin trả lời với hộ gia đình này vẫn chưa đủ điều kiện để thoát nghèo và vẫn là hộ nghèo, do vậy chính quyền địa phương cần phải xem xét lại. Tương tự ở các địa phương, chúng ta cũng cần phải rà soát lại và phải có công nhận cho khách quan, đúng với tiêu chí quy định của Trung ương.

Hiện nay, một số dự án hỗ trợ định canh, định cư ở địa phương đang thực hiện nhưng lại bị bỏ dở dang và không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Tại sao lại có tình trạng này? Và bao giờ những dự án này sẽ được nối lại để hoàn thành và thực sự phát huy tác dụng đối với cuộc sống của người dân ở địa phương?

Trước hết phải nói một điều rằng, trong điều kiện đất nước của chúng ta đang phát triển, cho nên vấn đề đô thị hóa vùng nông thôn đang trở thành vấn đề trọng tâm của tất cả các địa phương, phù hợp với chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc, nhu cầu về đô thị hóa cũng như phát triển rất quan trọng.

Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã xác định một loạt chính sách, những chính sách đó đang được thực thi, nhiều địa phương đã làm rất hiệu quả những chương trình như 135, trung tâm cụm xã, trong đó có cả khu thương mại, bệnh viện…

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương như đã phản ánh về việc triển khai này. Đó là phong tục tập quán của các vùng. Chúng tôi đã kiểm tra có những hiện tượng như vậy. Có những dự án về xây dựng trung tâm cụm xã đã được giải ngân đến 50%, nhưng lại bỏ dở, hoặc xây xong lại hoạt động không hiệu quả.

Cách khắc phục vấn đề này như thế nào? Trước hết phải xuất phát từ nhu cầu chung của cộng đồng, của người dân. Nhưng vấn đề này không thể thống kê được như phía Bắc là có nhu cầu về lĩnh vực gì, Tây Nguyên có nhu cầu gì, vùng ĐBSCL thì cần cái gì?

Tôi cho rằng, cái này cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành quản lý các chương trình, làm rõ các mục tiêu như y tế thì ai làm, chợ thì ai làm, trường học ai làm… phải có trao đổi cụ thể. Để tránh lãng phí, tôi cho rằng cần làm hai việc: thứ nhất, chúng tôi đang tiếp tục báo cáo với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc đó và khẳng định lại hoàn thiện công trình đó để đưa vào sử dụng. Thứ hai, phải tìm hiểu và xác định lại nhu cầu, nếu không có nhu cầu chúng ta phải cắt để chuyển sang lĩnh vực khác, nội dung khác, hạng mục công trình khác để đầu tư có hiệu quả.

Nếu không chấm dứt tình trạng này thì trong thực tế vừa qua, trong khoảng 10 năm trở lại đây thì có tình trạng gây lãng phí và người dân đã phản ánh đúng thực trạng. Tôi cho rằng, vai trò lớn của các cấp ủy và chính quyền phải làm việc sát người dân hơn, và khi các địa phương duyệt dự án cần phải tính toán đến nhu cầu thực tế của từng địa phương, phải phù hợp với phong tục tập quán của vùng miền đó, của các đồng bào dân tộc ở đấy thì mới hiệu quả được.

Thưa Bộ trưởng, về vấn đề định canh định cư, Đảng và Nhà nước rất chủ ý để chỉ đạo vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt vẫn đang là tình trạng khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những vùng tái định cư khiến cho người dân không yên tâm sản xuất. Bộ trưởng có thể nói gì về vấn đề này?

Nước ta do có đặc thù mỗi vùng miền có một ưu thế riêng, nhưng cũng có hạn chế, tạo cho chúng ta sự chênh lệch. Có những vùng có quỹ đất tốt, giữa đất nông nghiệp sử dụng được vào sản xuất, nhưng cũng có vùng chỉ có núi đá, đất sản xuất được rất thấp. Ví dụ như những vùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu… dù rất là rộng nhưng toàn núi đứng, không có mặt bằng nào để mà thiết lập một bản làng hay một cái sân, đây là khó khăn.

Theo quan điểm của tôi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, ở khu vực phía Bắc có sự chia cắt lớn, độ dốc lớn ở vùng núi đá thì không bao giờ khắc phục được, vì không thể biến đá thành đất được. Chúng ta chỉ còn cách tận dụng như thế nào. Vấn đề thiếu đất đối với vùng đồng bào dân tộc, thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở hiện nay đang trở thành vấn đề phổ biến, nhất là những vùng khó khăn, núi cao, vực sâu, sạt lở nhiều và tác động của môi trường rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, đầu nguồn các sông và các thủy điện của núi đá tập trung ở vùng này cũng là giúp cho đất nước, bởi nguồn điện từ đây. Nhưng đây cũng chính là khó khăn, khi tình trạng ngập lụt lại đẩy người dân vào tình trạng khó khăn, càng lên núi cao lại càng khó khăn cho nên nhiều vùng không có đất sản xuất. Tái định cư trở thành vấn đề bức xúc cho người dân, cho nên bây giờ chúng ta phải tính toán.

Có nhiều phương án, nhưng các địa phương phải chủ động trình Thủ tướng các dự án, giải pháp để tháo gỡ. Đối với các Bộ, ngành thì cần phải xác định cho được quỹ đất tương ứng với số dân, đảm bảo định mức tối thiểu đất sản xuất cho người dân. Vượt quá việc đó thì Nhà nước phải cân đối đất và cân đối phải có đất sản xuất thì phải sắp xếp lại dân cư.

Một huyện chỉ bố trí được khoảng 5.000 người mà bố trí 10.000 người là đất bị thu hẹp và sẽ xảy ra di dân tự do. Việc này chính quyền phải làm chứ người dân không thể tự biết được và phải có cơ chế chính sách phù hợp. Bây giờ phải đánh giá, rà soát lại đối với các công trình thủy điện đã bố trí tái định cư rồi nhưng bây giờ Nhà nước đang hỗ trợ về gạo, nhưng vấn đề khi ăn hết gạo lại không có đất sản xuất, không tạo ra nguồn lương thực mới.

Điểm thứ 2 rất quan trọng, đó là Nhà nước phải đầu tư nguồn lực để chuyển đổi ngành nghề cho người dân, đây là giải pháp tích cực nhất.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

N.C.KHANH ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.