Khổ vì dự án chống ngập

Khổ vì dự án chống ngập
TP - Chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa, cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều nơi đã gặp nhiều trở ngại vì bị ngập sâu, kéo dài. Trong khi đó, nhiều công trình, dự án thoát nước đang triển khai bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành trong năm 2011.

TP Hồ Chí Minh:

Khổ vì dự án chống ngập

Chống ngập gây ngập

Tối 20-5, cơn mưa kéo dài 30 phút đã làm ngập nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội ô TPHCM. Trước đó một ngày, cơn mưa có vũ lượng 90,8 mm (đo tại trạm An Lạc) đã gây ngập sâu nhiều khu vực. Theo Trung tâm Chống ngập TPHCM (viết tắt Trung tâm), cơn mưa đã gây ra ít nhất 6 điểm ngập, sâu từ 0,15 - 0,3m, trong đó 3 điểm thuộc quận 6, 2 điểm ngập thuộc quận Bình Tân. Qua kiểm tra, hầu hết khu vực bị nặng là bởi các dự án chống ngập.

Tại điểm ngập trên đường Bà Hom và Tân Hòa Đông (quận 6), các nhà thầu thi công dự án nâng cấp đô thị đã chặn dòng để phục vụ công tác thi công song lại quên không thực hiện biện pháp dẫn dòng làm nước mưa không có đường thoát. Đường Trần Đại Nghĩa (quận Bình Tân) bị ngập một đoạn từ QL 1A đến cầu Cái Trung vì đoạn kênh thoát nước và các cửa xả bị lấn chiếm, không đảm bảo khả năng thoát nước.

Cơn mưa chuyển mùa xảy ra vào cuối tháng 4 đã làm nổi lên nhiều bất hợp lý trong công tác chống ngập hiện nay ở TPHCM. Cơn mưa làm phát sinh 41 điểm ngập, trong đó một số tuyến đường, khu vực vừa hoàn thành hệ thống cống thoát nước cũng bị ngập sâu trong nước như đường Hòa Bình, Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm (quận 11).

Theo khảo sát của Trung tâm, các điểm ngập tập trung nhiều nhất ở khu vực quận Tân Phú (13 tuyến đường) và đa số nằm trong khu vực đang thi công các dự án chống ngập, cải thiện môi trường như: Nâng cấp đô thị, Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước.

Nhiều tuyến bị ngập do các công trình hạ tầng đô thị đang thi công làm chặn dòng thoát của nước. Tại lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, hệ thống cống của dự án nâng cấp đô thị vẫn chưa hoàn thành, nhà thầu đã chặn dòng để thi công, gây ngập các tuyến đường An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh, Trương Công Định, khu vực Bàu Cát…

Thi công các dự án thoát nước lớn, nhiều nhà thầu không chỉ chặn dòng chảy mà còn bơm bừa bãi bùn đất vào hệ thống cống thoát nước gây ngập nhiều khu vực. Theo thống kê của Trung tâm, đứng đầu sổ là dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) với 25 vị trí, chiếm 39%; kế tiếp là dự án Nâng cấp đô thị với 21 vị trí, chiếm 33%.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng ban Quản lý hệ thống thoát nước của Trung tâm, lý do xảy ra ngập nước là do lỗi chủ quan, cố ý xâm hại hệ thống cống thoát nước của một số nhà thầu. Mới đây, Trung tâm phối hợp thanh tra chuyên ngành lập biên bản nhiều trường hợp, yêu cầu khắc phục song hết thời hạn quy định, một số chủ đầu tư, nhà thầu vẫn không thực hiện.

Do không đủ thẩm quyền, Trung tâm nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo xử lý các vị trí thoát nước bị xâm hại nhưng đến nay nhiều đơn vị xâm hại hệ thống thoát nước vẫn phớt lờ chỉ đạo của UBND TPHCM.

Tiến độ rùa

Một trong những dự án rùa điển hình là cải tạo kênh Ba Bò. Được khởi công vào tháng 7-2010, đến nay gói thầu xây lắp số 1 Xây dựng hồ điều tiết và đoạn 1 của tuyến kênh chính mới hoàn thành 2,6% khối lượng thi công. Gói thầu xây lắp số 2 Xây dựng đoạn 2 và đoạn 3 của tuyến kênh chính đạt 25,8% so với khối lượng gói thầu, còn gói thầu xây lắp số 3 Xây dựng tuyến kênh nhánh đạt 55,8%.

Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè dù đã được Ngân hàng Thế giới gia hạn song đến nay, tiến độ thực hiện nhiều gói thầu vẫn chưa đạt yêu cầu, trong khi thời hạn hiệp định vay đã gần hết.

Hàng loạt dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA khác như dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn 1); cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát- Rạch Nước Lên; dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum... đều chậm tiến độ.

Theo Trung tâm, trong năm 2011, TPHCM phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục nạo vét kênh rạch trọng điểm để tăng dung tích chứa nước khi có mưa lớn, gồm: Gói thầu A (hạng mục nạo vét kênh Tàu Hủ - Bến Nghé) thuộc dự án Cải thiện môi trường nước; gói thầu số 10 (hạng mục nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố; nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên…

Đối với dự án cải tạo kênh Ba Bò, TPHCM sẽ phối hợp với tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công và hoàn thành trong năm 2011.

Càng chống, càng ngập nặng?

Theo thống kê của Trung tâm, năm 2001, TPHCM có 100 điểm ngập. Trong giai đoạn 2001 - 2007, tổng số điểm ngập xóa được là 96 điểm, nhưng số phát sinh mới là 96 điểm. Đến năm 2008, TPHCM có 126 điểm ngập do mưa và 79 tuyến đường ngập do triều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.