Khoán quản trông giữ xe ở Hà Nội: Chỉ lo thu tiền

Khoán quản trông giữ xe ở Hà Nội: Chỉ lo thu tiền
TP - Mô hình khoán quản kết hợp giữa dịch vụ công (trông giữ phương tiện) với quản lý trật tự công đang áp dụng tại một số quận nội thành Hà Nội, bộc lộ những bất cập khi ngành chức năng lo khoán hơn quản.
Khoán quản trông giữ xe ở Hà Nội: Chỉ lo thu tiền ảnh 1
Dù treo biển điểm khoán quản nhưng ở đây lại sử dụng mẫu vé sai quy định. Ảnh chụp tại phố Phạm Ngọc Thạch

Phố Phạm Ngọc Thạch (phường Kim Liên), nằm trong danh sách các tuyến phố của quận Đống Đa được lực lượng chức năng đặt biển báo "Tuyến phố không được kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, lòng đường. Cấm để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô trên vỉa hè lòng đường".

Tuy nhiên, hàng trăm mét vỉa hè trước mặt hai chung cư B10 và B7 lại trở thành nơi trông giữ phương tiện của một đơn vị tư nhân.

Theo tấm biển treo, giấy phép sử dụng vỉa hè khu vực này được cấp cho Cty TNHH Tâm Yến, thực hiện mô hình thí điểm khoán quản trông giữ xe. Tại đây, hàng ngày, là cảnh các nhân viên khoán quản đứng ra thu tiền trông giữ xe của khách. Trong khi đó ở xung quanh xe đỗ dừng trên vỉa hè, dưới lòng đường lộn xộn không thấy ai quản.

Chưa hết, đơn vị được khoán quản này lại sử dụng vé tự tạo, không phải vé của ngành thuế phát hành. Cán bộ phường sở tại lý giải, tuyến phố Phạm Ngọc Thạch nằm trong danh sách cấm kinh doanh, để xe trên vỉa hè, nhưng do không có chỗ để xe nên, trước Tết, quận cấp phép cho một đơn vị tư nhân đảm nhiệm việc trông giữ phương tiện.  

Tại quận Hoàn Kiếm, nơi có nhiều điểm, tuyến phố đang thực hiện mô hình khoán quản, các doanh nghiệp được giao quản chỉ chú ý đến phần khoán (tức là dựng biển thu tiền trông giữ phương tiện), còn phần quản dường như buông lỏng.

Dạo một vòng qua các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng…, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy, ô tô đỗ bừa bãi dưới lòng đường. Trong khi đó, nhân viên của đơn vị được khoán quản điềm nhiên ngồi đọc báo, tán gẫu.

Quy hoạch lại các tuyến phố cấm để xe

UBND Thành phố Hà Nội vừa giao Sở GTVT phối hợp Công an Thành phố và các quận, huyện kiểm tra thực trạng quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Thành phố yêu cầu, trong tháng Năm, phải hoàn thành xây dựng danh sách tuyến phố không cho để xe dưới lòng đường, vỉa hè. 

Khi được hỏi, có nhân viên còn than thở: "Bọn tôi chỉ đứng đây trông giữ xe chứ quyền gì nhắc nhở hay xử phạt các vi phạm khác của dân. Việc đó phải là cảnh sát trật tự, dân phòng chứ".

Bên cạnh đó, theo quy chế hoạt động của doanh nghiệp thực hiện mô hình khoán quản, nhân viên phải mặc đồng phục, đeo thẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp không làm điều này.

"Một số điểm trông giữ phương tiện được khoán quản vẫn sử dụng quá diện tích cho phép, chèn thêm xe. Có doanh nghiệp chưa sử dụng mẫu vé do cục thuế phát hành, thu quá giá quy định (cả theo lượt và theo tháng). Có doanh nghiệp không tổ chức được lực lượng trông giữ lẻ nên bỏ trống hoặc giao khoán cho tổ chức, cá nhân nên vẫn vi phạm thu quá giá quy định, thái độ phục vụ không tốt" - Ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm quận đầu tiên thực hiện mô hình khoán quản, nhận xét.

Trước tình trạng này, quận yêu cầu các phường vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm về trật tự đô thị. "Mô hình khoán quản không thay thế, không giảm bớt trách nhiệm quản lý nhà nước của các phường. Các phường vẫn chịu trách nhiệm chính về giữ gìn trật tự đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Giữa phường và doanh nghiệp phải có phương án phối hợp cụ thể"- Ông Khôi nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.