Khoảng 30% phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình

Khoảng 30% phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình
Theo một số công trình nghiên cứu về tình trạng bạo hành gia đình ở Việt Nam thì có ít nhất từ 20 - 30% phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình suốt cả cuộc đời, 66% vụ ly hôn liên quan đến bạo hành gia đình…

Chị H.K.H. (23 tuổi, ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP. Hồ Chí Minh), lấy chồng năm 20 tuổi, chồng hơn chị tới 15 tuổi.

Mới cưới được 3 năm, từ khi sinh con tới nay, lấy lý do con còn nhỏ, mẹ chồng chị bắt chị phải ở nhà giữ con, không cho đi làm. Đi ra, đi vào đụng mặt, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh.

Chê chị không sạch sẽ và nấu ăn dở, mẹ chồng giành hết việc nấu ăn cho cháu. Nhưng đứa nhỏ hơn 1 tuổi người quắt queo thì bà đổ thừa chị không biết chăm sóc con.

Thu nhập bao nhiêu, anh chồng đem về đưa hết cho mẹ, chỉ chừa lại vài trăm để chi tiêu, quên luôn việc cho chị tiền để chị mua những thứ cần thiết. Chị muốn đi làm trở lại nhưng chồng và mẹ chồng không cho, lấy lý do là con còn nhỏ.

Ngày nào ngồi vào mâm cơm, mẹ chồng chị cũng nói xa nói gần nàng dâu lười biếng, không biết chăm sóc con, điệu đàng. Vốn tính nóng nảy, mỗi khi nghe mẹ phàn nàn là anh chồng lôi vợ vào buồng đánh… Có lần, đánh chưa đã anh chồng còn cầm cục gạch đòi đập đầu vợ kèm theo câu chửi tục...

Còn tình cảnh của chị N.T.B. (35 tuổi, phường Phước Long A, quận 9) còn bi đát hơn. Hơn 10 năm nay, chồng chị hễ có rượu vào là hành hạ vợ không thương tiếc.

Đỉnh điểm vào đêm 8/3 năm trước, chị đang ngủ ở tầng trệt thì bị chồng lôi lên lầu 1 đánh và ném xuống lầu rớt ra ngoài. Gia đình không ai hay, chị nằm bất tỉnh nhân sự mấy giờ đồng hồ bên hông nhà cho đến khoảng 1h20' sáng hôm sau, hàng xóm mới phát hiện và tri hô.

Đến lúc này, bà Ng.T.C. (mẹ chồng chị B.) mới hay và mở cửa ra xem sự việc thế nào. Chưa kịp cấp cứu cho con dâu thì bà C. bị con ruột là Nguyễn Đình Minh (chồng chị B.) từ trên lầu 1 chạy xuống dùng chày gỗ quơ đánh.

Đợi cho tên Minh đi ngủ, bà C. mới cùng hàng xóm đưa chị B. đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau trận đòn "quái ác" của chồng, bây giờ chị B. bị chấn thương đầu, cột sống gần một năm nay vẫn chưa hết đau nhưng phải gồng gánh nuôi cả gia đình vì anh chồng đang ngồi tù…

Theo Thạc sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, thấy cảnh tượng nhiều phụ nữ bị hành hung, ban đầu những người ngoài cuộc ai cũng muốn giúp. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhà tạm lánh là một giải pháp tốt nhưng đa số phụ nữ sau khi bị bạo hành đều chọn về nơi đã bị bạo hành.

Qua tiếp xúc với nạn nhân, các nhà tư vấn lưu ý đặc biệt đến giai đoạn "trăng mật" xảy ra khi bạo hành. Đây là giai đoạn người bạo hành tỏ ra hối hận, muốn chuộc lỗi, biểu hiện qua việc chăm sóc, nhẹ nhàng, gần gũi, thậm chí âu yếm hơn mức bình thường. Chính sự bù đắp lãng mạn sau bạo hành làm cho nhiều nạn nhân bị cuốn vào vòng quay của nó. Vòng quay này bắt đầu bằng bạo lực, sự bất mãn bị bạo lực rồi lại đến sự thỏa mãn vì thời gian trăng mật sau bạo hành.

Mầm mống của tội ác!

Hầu như cứ vài ngày là báo chí lại đưa tin chị A, chị B ở tỉnh này, thành phố nọ bị chồng giết hoặc hành hạ một cách dã man. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng một tháng (từ 10/2 đến 6/3/2009), TAND TP Hồ Chí Minh và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử gần 20 vụ án mạng do chính chồng, con cái giết người và gây thương tích cho vợ, cho cha mẹ của họ.

Trong đó có rất nhiều vụ án nghiêm trọng dẫn đến chết người như vụ Nguyễn Văn Hồng (48 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) dùng dao giết chết vợ là chị Tr.T.K.Ph. vì nghi ngờ chị này có quan hệ tình cảm với người khác; Nguyễn Hoà (41 tuổi, ngụ phường 15, quận 10) sau khi cãi nhau với vợ đã đổ xăng lên người vợ rồi bật lửa đốt, hậu quả làm chị N.T.Th.H. chết ngay tại chỗ để lại 4 đứa con thơ dại.

Hãy tìm người chia sẻ…

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Mỗi con người đều có khả năng chịu đựng khác nhau, có người chịu được khi gặp "cú sốc" (người thân qua đời hay cha mẹ ly dị…) nhưng có người khi gặp phải những trường hợp này cũng có thể điên lên… Vì vậy, người tinh thần yếu đuối thì nên tìm một chỗ dựa tinh thần để chia sẻ.

Cách dễ nhất là bạn chia sẻ với người thân, bạn bè nhưng người đó phải là người biết phải trái, có uy tín. Ngoài ra, hướng tích cực nhất là bạn phải biết giải quyết vấn đề trên chính đối tượng gây ra bức xúc cho mình. Nếu không được nữa thì nên nhờ chính quyền giải quyết

Theo Anh Huy - Hoài Anh
CAND

MỚI - NÓNG