Khoảng lặng giá điện

Khoảng lặng giá điện
TP - Đến hẹn lại lên, câu chuyện giá điện tăng, khi nào tăng lại bắt đầu hâm nóng sự quan tâm của người dân dùng điện trên cả nước. Tin khá mừng khi Bộ Công Thương thông tin rõ ràng: trước mắt, không điều chỉnh giá điện. Mức bán lẻ bình quân vẫn là 1.508 đồng/KWh như trước đây.

Có hai cách lý giải việc giá điện tạm thời chưa tăng. Kinh tế khó khăn, nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp giảm rõ rệt trong các tháng đầu năm. Nhiều tháng ròng, trời mát, nhu cầu sử dụng điện giảm, điện được EVN mua chủ yếu từ các nguồn thủy điện giá rẻ. Đầu vào rẻ, chi phí không tăng, giá điện đương nhiên không thể thay đổi. EVN mừng, dân cũng vui lây. Nhưng đấy là câu chuyện của trước mắt.

3 tháng, hay 6 tháng tới giá điện có được giữ nguyên như hiện nay. Câu trả lời: Khó giữ, khó đoán. Luật quy định, một năm EVN có thể điều chỉnh giá điện tối đa 4 lần nếu chứng minh chi phí đầu vào có thay đổi. Tháng 6, thời điểm nóng cho sử dụng điện. Nóng, nhu cầu dùng điện tăng, EVN phải tăng sản lượng. Giá đầu vào cũng sẽ biến động theo nhu cầu khi lượng điện huy động từ nhà máy chạy than gia tăng trong ít nhất 2 tháng tới.

Ở khía cạnh khác, thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc thay vì 7 bậc, dân nửa mừng, nửa lo. Nhìn sơ qua, giá điện sinh hoạt, điện kinh doanh có thể sẽ giảm so với thời điểm trước ngày 1/6. Nhìn sâu hơn, gộp bậc đồng nghĩa co hẹp khoảng cách, nói cách khác, giảm ưu đãi về giá giữa các bậc. Điều này khiến khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả nếu không muốn phải chịu mức giá tăng dần khá cao.

Với người nghèo, thay đổi biểu giá, ưu đãi cho người nghèo, chính sách giảm hẳn (trước tiền điện được hỗ trợ đủ để trả 50Kwh, nay chỉ đủ để trả 30KWh).

Một khoảng lặng mới đang được hình thành. Dù tuyên bố sẽ minh bạch hoàn toàn giá điện, bản thân Bộ Công Thương và EVN đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho người dân về vấn đề này. Việc kinh doanh của EVN đang lỗ, lãi ra sao chỉ một số ít người nắm được. Lỗ chắc chắn là chuyện không thể xảy ra. Còn lãi bao nhiêu chỉ EVN và cơ quan quản lý rõ nhất.

Điều thấy rõ, dù không công bố cụ thể, nhưng hai năm liên tiếp, 2012 và 2013, EVN vẫn dư lãi hàng trăm tỷ đồng sau khi đã trích xử lý khoản lỗ còn treo lại của các năm trước (riêng năm 2013 xử lý khoảng 4.000 tỷ đồng).

Một điểm phải khẳng định, khác với những năm trước, giá điện hiện nay đã không còn rẻ. Bản thân người trong ngành điện cũng cho rằng giá điện hiện chưa phản ánh đúng giá thành.Cũng khó có thể phản ánh đúng khi năng suất lao động của EVN, dù rất cố gắng, vẫn chưa cao, bộ máy cồng kềnh, lương trả quá cao.

Nhưng điểm đáng lo nhất, chính là khoản lỗ chưa được xử lý của những năm trước và EVN sẽ phải tính vào giá thành để hoàn tất trước hạn năm 2015 như đã tuyên bố trước đó. Vì vậy, việc giá điện có thể tăng tiếp, có thể xảy ra trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.