Khóc cười chuyện thất lạc hành lý

Khóc cười chuyện thất lạc hành lý
TP - Đang thời điểm lý tưởng của du lịch, cũng là thời điểm tăng vọt hiện tượng thất lạc hành lý, cả đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không...
Đơn khiếu nại của ông Trường gửi báo Tiền Phong
Đơn khiếu nại của ông Trường gửi báo Tiền Phong.
 

400.000 đồng một kiện hàng…

Một nam sinh viên từ TPHCM về thăm nhà tại Buôn Ma Thuột, đi trên chuyến bay của một hãng hàng không. Đầu đi, cậu sinh viên gửi 3 kiện hành lý. Đầu nhận, cậu phát hiện biến mất một kiện, là chiếc ba lô ních đầy quần áo. Kiên trì liên hệ và lui tới sân bay nhiều lần, gần 2 tháng sau mẹ cậu sinh viên trên mới được hãng bay bồi thường tổng cộng 400.000 đồng cho chiếc ba lô nặng 4kg.

Bất bình với mức bồi thường quá bèo, bà này gửi đơn phản ánh đến báo Tiền Phong cho biết chỉ riêng giá tiền mua chiếc ba lô đã vượt xa khoản tiền ấy, chưa kể hàng hóa bên trong trị giá nhiều triệu đồng. Lỗi do hãng bay mà đền như vậy thì quá thiệt thòi oan uổng cho hành khách.

Phóng viên Tiền Phong hỏi mức bồi thường hành lý theo thông lệ quốc tế là 20 USD cho mỗi kg thất lạc, hãng này căn cứ vào đâu mà chỉ trả cho chiếc ba lô bị mất giá 100 nghìn đồng/kg? Trưởng đại diện của hãng bay trên tại Buôn Ma Thuột cho biết: Giá này do đại diện của hãng thỏa thuận với khách hàng, nếu khách không đồng ý thì đừng ký nhận. Khách đã nhận rồi, giờ làm sao kêu?

Thông tin của ngành Hàng không cho biết, toàn thế giới mỗi năm có khoảng 30 triệu món hành lý bị thất lạc, với số tiền các hãng phải đền bù lên tới vài tỉ USD, chia bình quân thì khoản bồi hoàn thường quá nhỏ nhoi so với giá trị thật của những món đồ bị mất.

Một cán bộ Phòng Giám sát dịch vụ hàng không thuộc Trung tâm Kiểm soát Khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM cho biết: Việc thất lạc hành lý thường xuyên xảy ra, phổ biến ở những chuyến bay nối chặng nhiều, chỉ cần trục trặc giờ bay tại điểm xuất phát, nhà vận chuyển ưu tiên giải quyết cho hành khách trước, còn hành lý phải gửi chuyến bay sau.

Đôi khi, máy soi băng chuyền không đọc được thẻ từ gắn trên hành lý nên hệ thống tự động gạt ra. Rồi hành khách vô tình hay hữu ý cầm nhầm va ly. Chưa kể nguyên nhân thất thoát do lòng tham của vài “con sâu” trong đơn vị trung chuyển hàng hóa dưới mặt đất. Vì vậy, tốt nhất hành khách đừng để hàng hóa đắt tiền trong hàng ký gửi.

… Và 7 triệu đồng cho chùm lồng chim

Ông Trường, một người kinh doanh chim cá cảnh tại đường Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột, gửi báo Tiền Phong lá đơn khiếu nại về việc hàng hóa thất lạc không được bồi thường đúng giá trị. Là khách quen của Cty CP Vận tải khách CN, ông mua lô lồng chim hơn 10 chiếc chế tác tỉ mỉ với giá hơn 9 triệu đồng từ Cao Bằng- Lạng Sơn, gửi cho tài xế chuyến xe 47V2325 chở về Buôn Ma Thuột.

Xe về tới bến, bác tài phát hiện lô hàng cột trên nóc xe đã bị gió thổi bay mất tự lúc nào. Nhà xe đồng ý đền cho ông Trường đủ giá trị lô hàng, nhưng mới trả tới đợt thứ ba được tổng cộng 7 triệu đồng thì ngưng, ông Trường đòi mãi không lấy được 2 triệu đồng còn lại.

Được hỏi, ông Khánh Tường, Giám đốc Cty CN kể : Tội nghiệp cậu tài xế cực nhọc chạy suốt hơn 1.500 cây số, trừ xăng dầu thuế phí đủ loại chẳng còn bao nhiêu, vẫn thông cảm với bạn hàng, chấp nhận bỏ tiền túi ra đền, cả Cty và cậu ấy chịu mất trọn lãi chuyến xe. Nhưng chúng tôi chỉ có thể đền hàng bằng giá gốc ông Trường mua vào, chứ làm sao tính thêm cả lãi buôn lồng chim cho ông ấy được ?

Dẫu sao, ông chủ và bác tài của hãng xe còn chơi đẹp hơn hãng hàng không kia! Thất lạc hành lý là chuyện xui rủi chẳng ai muốn, nhưng với thực trạng hành lý rất dễ trôi khỏi tay mình, việc đề phòng cẩn trọng trước mỗi chuyến xê dịch vẫn chẳng bao giờ thừa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG