Khóc cười sau đường dây nóng 'bắt' ăn xin

Đối tượng xin ăn biến tướng, nhiều lần được tổ 550 đưa về xử lý Ảnh: TCC
Đối tượng xin ăn biến tướng, nhiều lần được tổ 550 đưa về xử lý Ảnh: TCC
TP - “Đây, vết sẹo này là của con bé Tr. Nó cắn tui vào năm 2017, lúc tui đỡ nó lên xe để đưa về nhà. Ở đùi cũng một vết nữa, thủng cả quần luôn”, anh Võ Nguyên Hùng vừa nói vừa trưng vết dấu răng chưa lặn hết ở mu bàn tay ra.

Đó chỉ là một trong số lần bị tấn công sau khi tiếp nhận những cuộc gọi từ số điện thoại 02363.550.550. Đường dây nóng này không phải nơi giải đáp thắc mắc, báo tin tội phạm hay cấp cứu…mà gọi đến để xử lý người lang thang, xin ăn, tâm thần tại Đà Nẵng. Đằng sau cuộc gọi ấy là những đêm trắng tìm người, những lần choáng váng với cú bạt tai, cào cấu không thương tiếc…

Chịu trận

Tôi thử gọi đến đường dây nóng trước khi tới văn phòng đặt tại số 64 Đống Đa (quận Hải Châu), chưa đầy 3 hồi chuông đã có người cầm máy.  “24/24, khi nào cũng có người tiếp nhận thông tin cả. Mỗi ngày ở văn phòng có 3 người trực, một người phụ trách đường dây nóng, một người xử lý hồ sơ và một lái xe. Hễ có tin báo là tức tốc lên đường”, anh Võ Nguyên Hùng, phụ trách Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (tổ 550, Sở LĐTB&XH Đà Nẵng), nói.

Lật dở cuốn sổ ghi chép, anh Lê Mạnh Thiên (bộ phận hồ sơ) chiêm nghiệm suốt 7 năm gắn bó ở đây, tiếp nhận cả trăm trường hợp, “ớn” nhất vẫn là người tâm thần. Anh kể: “Mới giữa tháng 9 có một anh ra đường gần chợ Cồn chặn xe chặn người làm náo loạn. Rồi một chị vào trường mầm non trên Liên Chiểu phá tanh bành khiến mấy cô giáo phát hoảng. Họ “quậy” cỡ đó đó, nên không phải muốn là tiếp cận và đưa được đâu”.

Những trường hợp ấy, tổ phải báo cho công an địa phương để được hỗ trợ. Có bữa cả đoàn lùng suốt đêm tận hang cùng ngõ hẻm mới tìm ra người, có lúc vừa dỗ, vừa phải khống chế người tâm thần để họ chịu lên xe theo về. Thành thử, chuyện bị cắn, bị đánh, bị nhổ nước bọt vào mặt không lạ. Có khi còn bị tấn công vào…chỗ hiểm. Nói tới đây, cả tổ cười vang, chỉ vào anh Hùng, người chịu trận nhiều nhất.

“Đây, hai dấu răng này là của con bé Tr. Nó cắn tui vào năm 2017. Nó lừa mình đưa nó về nhà thì nó không quậy nữa, tui nghe vậy đỡ nó lên thùng xe thì nó chụp tay cắn cái phặp. Giờ nhớ lại vẫn rùng mình”, anh Hùng vừa nói vừa trưng vết sẹo chưa mờ ở mu bàn tay ra. Chưa hết, ở chân anh cũng bị một vết sẹo do một thanh niên tâm thần cắn, mà cắn thủng cả quần. Rồi có đợt đưa đối tượng về bệnh viện, đang làm hồ sơ bàn giao thì bị họ nhảy vào bạt tai không thương tiếc. “Giờ chịu thôi chứ mình biết làm sao nữa, không lẽ đánh lại?”, anh cười.

Đưa tôi xem những hình ảnh tới hiện trường xử lý, anh Nguyễn Đặng Thanh Vũ mặt méo xẹo, kêu “có mấy cảnh tới không được, lui không xong”. Cả phòng lại được phen cười nắc nẻ. Đó là những người tâm thần “hô mưa gọi gió” giữa phố, ăn cắp xe chạy bạt mạng, lên cơn đánh người. “Có bữa một chị lột trần như nhộng nằm lăn giữa đường. Anh em tui đàn ông đàn ang ngại đỏ hết cả mặt. Đến gần thì chị ấy la hét, mình cũng chẳng dám đụng vào, bỏ về thì bà con chửi. Mất cả buổi quần đi quần lại, nhờ khắp nơi hỗ trợ, cuối cùng mượn tạm cái rèm của nhà dân che chị ấy lại đưa về”, anh nhớ lại.

Khóc cười sau đường dây nóng 'bắt' ăn xin ảnh 1 Bàn tay anh Võ Nguyên Hùng vẫn còn dấu răng của một cô gái tâm thần cắn vào năm 2017 Ảnh: Thanh Trần

Đổ sức đi dẹp, về xót người xin ăn

Lâu nay vẫn nghe chuyện gọi điện báo tin có người lang thang xin ăn ở Đà Nẵng sẽ được thưởng 200.000 đồng, ít ai biết rằng sau mỗi tin báo ấy, cả tổ phải vắt chân lên cổ chạy để giữ một trong 5 tiêu chí “không” của thành phố: Không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của.

Sáng sớm, tổ nhận tin báo có người ăn xin ở chợ. Anh em tức tốc lên xe chạy tới. Trước mắt là bà mẹ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị bồng bế dắt díu theo 4 đứa con. Lần thứ 3 gặp lại, bà vẫn bài cũ, ăn mặc lếch thếch, ngồi lì đợi người qua kẻ lại cho tiền. Khi các anh hỏi, thì nói cứng xin được…10 triệu mới chịu về! Biết “ca khó”, lại là phụ nữ, cả tổ nói ngon dỗ ngọt đưa về trung tâm bảo trợ xã hội để liên hệ với người nhà tiếp nhận.

Anh Hùng nhẩm tính, 9 tháng đầu năm nay, tổ đã xử lý gần 40 đối tượng lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng, hầu hết là người ở các địa phương khác tới. Những người này được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội. Anh lắc đầu: “Người nhà tới bảo lãnh cho ra, mấy bữa sau họ tái xuất tiếp tục “hành nghề”. Chúng tôi cũng nhờ công an can thiệp song khó xử lý vì họ không phải tội phạm. Còn xin ăn biến tướng thì có hẳn cả đường dây, đông gấp mấy lực lượng chức năng. Thế nên mình phải chạy đêm chạy ngày, tức tốc, kịp thời mới dẹp yên”.

Quyết liệt vậy mà các anh cũng có những phút yếu lòng khi phải chấm dứt con đường mưu sinh của nhiều người. Anh Vũ nhắc đến hoàn cảnh cụ P.V.L. (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) không thể éo le hơn. Vợ bệnh, con đi tù, cháu đang tuổi ăn học. Cụ gánh cả gia đình bằng nghề “ngả nón”. Đã 7 lần ra vào Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng mỗi lần gặp, không ai một tiếng nặng nhẹ với cụ, vì hiểu rằng tới đường cùng, người ta mới thảm thương vậy ở tuổi gần đất xa trời. Anh Vũ bộc bạch: “Xử lý thì tội người ta, không làm thì bà con trách hô hào thành phố không có người xin ăn mà không dẹp được. Thi hành công vụ, mà đau lòng lắm”.

Giữ lửa đường dây

Trong khi rất nhiều đường dây nóng đã nguội lạnh sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, thì con số “550” vẫn được người dân Đà Nẵng nhớ tới suốt 10 năm qua khi phát hiện có người lang thang, xin ăn. Trung bình mỗi năm, tổ xử lý 200 – 300 trường hợp từ các cuộc gọi báo của người dân. Vào hè, ngày cao điểm xử lý đến 5, 6 người xin ăn ở các quán nhậu.

Từ đầu năm 2019, việc thưởng tiền cho người báo tin đã chấm dứt. Nhưng đường dây nóng vẫn nhận được cuộc gọi thường xuyên, đồng nghĩa với việc người dân đã hành động không điều kiện, trở thành thói quen khi thấy người lang thang xin ăn. Cũng thời gian này, theo quy định chung, anh em không còn được hưởng một số khoản phụ cấp.

“Như vậy là thu nhập của các thành viên trong tổ bị sụt giảm, dù họ làm việc bất kể nắng mưa, lễ tết, khuya sớm. Sắp tới đây, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất thêm các khoản hỗ trợ phù hợp để động viên tổ. Đồng thời kiến nghị tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan nhằm xử lý triệt để người lang thang xin ăn, nhất là xin ăn biến tướng. Riêng đường dây nóng 550 thì chắc chắn vẫn sẽ nóng lâu dài”, ông Thái Đình Hoàng, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH, cho hay.

Khóc cười sau đường dây nóng 'bắt' ăn xin ảnh 2 Từ năm 2009 đến nay, đường dây nóng 02363.550.550 vẫn hoạt động 24/24 để tiếp nhận thông tin người lang thang xin ăn Ảnh: Thanh Trần

Ông Lê Đức Việt, Đội quy tắc đô thị quận Hải Châu nhìn nhận, nhờ có sự tiếp nhận, vào cuộc kịp thời của tổ 550, nên các tuyến đường trung tâm, du lịch của thành phố hầu như không có người lang thang, xin ăn. Điều đó góp phần làm Đà Nẵng đẹp hơn, văn minh hơn trong mắt du khách.

Anh Hùng nói, cũng chính vì in hằn số “550” vào đầu, nên mới có những cuộc gọi dở khóc dở cười. Vợ chồng đánh nhau, quỵt tiền nhậu, hát loa kẹo kéo ồn ào…bà con đều gọi đến và nhờ tổ xử lý giúp, bất kể khuya sớm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.