Khốc liệt cuộc chiến chống buôn lậu: Gia cố phên dậu

Triển khai nhiệm vụ ngay tại cột mốc 1103. Ảnh: Duy Chiến.
Triển khai nhiệm vụ ngay tại cột mốc 1103. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Càng áp tết, tình hình buôn lậu toàn tuyến biên giới Lạng Sơn trở nên nóng bỏng. Các ngành chức năng địa phương căng mình ngăn chặn “cơn lũ” hàng lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam, trong cuộc chiến này, có người đã hy sinh.

Đổ máu

1 giờ 15 phút ngày 22/12/2017, Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (gọi tắt là Trạm Dốc Quýt), huyện Cao Lộc, Lạng Sơn nhận được thông tin do người dân cung cấp có một xe ô tô màu đen mang BKS: 12C-048.XX vận chuyển hàng nhập lậu từ hướng thị trấn biên giới Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn qua khu vực kiểm soát của Trạm Dốc Quýt. Ngay lập tức lãnh đạo đơn vị chỉ đạo Đội kiểm soát số 2 đang làm nhiệm vụ ở khu vực barie chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện để dừng, khám phương tiện trên.

2 giờ 30 phút cùng ngày, xuất hiện chiếc xe nghi chở hàng lậu,  lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng phương tiện cách barie khoảng 50 mét về phía thị trấn Đồng Đăng đồng thời tổ công tác hạ cần barie xuống đến mức ngăn chặn được xe ô tô. Một mũi công tác khác sử dụng xe ô tô bám theo phía sau, phòng chiếc xe chở hàng lậu lùi quay đầu, bỏ chạy.

Thấy vậy, lái xe ô tô 12C-048.xx đột ngột tăng ga, quay đầu vòng bên trái qua hàng cây trong khuôn viên Trạm Dốc Quýt bỏ chạy về hướng thị trấn Đồng Đăng. Chiếc xe hung hãn đâm vào ông Đàm Văn Phú (cán bộ thuế đang thực hiện ca trực Trạm Dốc Quýt), khiến ông ngã xuống đất. Không dừng lại ở đó, chiếc xe chạy đè lên người ông Phú và tiếp tục lao đi với tốc độ cao, bỏ chạy về hướng biên giới.

Khốc liệt cuộc chiến chống buôn lậu: Gia cố phên dậu ảnh 1 Những hàng rào dây thép gai ngăn chặn hàng lậu ở Cốc Nam. Ảnh: Duy Chiến.

Sau khi sự việc xảy ra, Trạm Dốc Quýt nhanh chóng đưa ông Phú đi cấp cứu; đồng thời thông báo sự việc cho lực lượng công an Lạng Sơn. Do vết thương quá nặng, ông Phú đã tử vong sau đó.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an Lạng Sơn đã xác minh làm rõ đối tượng gây án là: Nguyễn Duy Đỗ (SN 1964), trú tại số 82, Phố Muối, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn. Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, đối tượng Đỗ đã đến Công an huyện Cao Lộc trình diện và khai báo toàn bộ nội dung sự việc. Tại đây Đỗ khai nhận, đã đến khu vực biên giới Đồng Đăng để nhập 2 bao tải hàng linh kiện điện thoại di động, ý định mang về tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ. Do bị ngăn chặn ở trạm Dốc Quýt, đối tượng này manh động bỏ chạy và đâm tử vong cán bộ Phú. Sau khi bỏ chạy về Bắc Ninh giao hàng, Đỗ về Khu đô thị Ecopark tại Vân Giang, Hưng Yên trốn. Được người nhà khuyên bảo nên đối tượng này đã ra đầu thú.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trạm trưởng Dốc Quýt cho biết, đây là vụ việc chống người thi hành công vụ, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương chỉ đạo điều tra, xác minh và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. “Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 của tỉnh và các ngành chức năng đến động viên, chia sẻ và thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình cán bộ thuế Đàm Văn Phú”, ông Tuấn cho biết.

Rào dậu ngăn “cơn lũ” hàng lậu

Càng áp Tết Nguyên đán, hàng Trung Quốc nhộn nhịp tập trung ở sát biên giới. Các “tổng kho” ở khu chợ Lũng Nghịu thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, hàng chất cao như núi. Hàng đêm và khi thông đường, các chủ đầu nậu sai khiến “cửu vạn” mang vác xuyên biên giới Việt- Trung đến nơi tập kết ở khu vực Hang Dơi, Cốc Nam, Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) và thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), chờ thời cơ tuồn hàng lên xe ô tô mang về các tỉnh phía sau tiêu thụ.

Theo chân các chiến sỹ biên phòng (BP) cửa khẩu Cốc Nam, thuộc Đồn Biên phòng Tân Thanh, phóng viên Tiền Phong ngược núi theo con đường 386 (dân địa phương còn gọi là Đường Đài vì trước kia các toán buôn lậu chọn đường này để vận chuyển radio; đài quay băng, đĩa vào Lạng Sơn). Chúng tôi thấy 7 lán trại của lực lượng biên phòng (BP), Hải quan án ngữ. Ở biên kia biên giới, ngay sau cột mốc 1103 là bãi đất trống khá phẳng, nơi tập kết hàng lậu.

Nhóm cán bộ làm việc tại đây gồm 10 người, trong đó có 8 cán bộ, chiến sỹ BP được biên chế thành tổ làm việc, túc trực 24/24 giờ canh chừng, không cho hàng hóa Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam.

Trên đồi cao, gió mưa rít lên từng hồi. Cái lạnh giá bao phủ làm tê cứng chân tay. Chiến sỹ Vi Văn Thắng (SN 1991, dân tộc Tày quê ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn) cho chúng tôi biết, đã lên gác ở đồi 386 4 tháng nay.

Trước mắt chúng tôi là dãy hàng rào dây thép gai chạy dọc tuyến biên giới Cốc Nam. Cách đây chừng 2 tuần, tỉnh Lạng Sơn cho lắp đặt hàng dây thép này. Trung tá Phạm Vũ Huynh, Trạm trưởng BP Cốc Nam cho biết: Trừ khoảng cổng có khóa để ra vào cột mốc 1103 thì tuyến biên giới được rào kín, vì vậy tình hình buôn lậu vận chuyển hàng hóa được hạn chế.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Cốc Nam, tháng 12/2017, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đã không tồn tại ở hai bên cánh gà cửa khẩu. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khả năng bùng phát trở lại cao. Các đối tượng “cửu vạn” lợi dụng địa hình vách núi cao, dốc đứng nguy hiểm để mang vác hàng Trung Quốc, nhất là ở các khu vực nhạy cảm thuộc mốc 1103, 1106, 1107. Chi cục Hải quan Cốc Nam phối hợp với lực lượng BP, công an địa phương thường xuyên ứng trực, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối tắt. 

MỚI - NÓNG