Khói thuốc lá mịt mù nơi công cộng

Tiếp thị thuốc lá tại quán cà phê ảnh L.N
Tiếp thị thuốc lá tại quán cà phê ảnh L.N
TP - Từ 1/5, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực ở Việt Nam, song tại các điểm công cộng, khói thuốc lá vẫn mịt mù. Việc mua bán thuốc lá với người chưa đủ 18 tuổi và tiếp thị thuốc lá vẫn diễn ra công khai.

> Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/5
> Triển khai giảm tác hại thuốc lá

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua bán thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi để cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Luật nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức…

Cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, trong phạm vi khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, giáo dục; không được hút thuốc ở nơi chăm sóc, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em và khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Ngoài ra, mọi công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá…

Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi hôm qua cho thấy, các quán cà phê tại TPHCM vẫn tiếp thị thuốc lá như bình thường. Tại quán cà phê T.N trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, có đến bốn nhân viên tiếp thị thuốc lá.

Mặc dù biển báo cấm hút thuốc được dán đầy ở các ngóc ngách của các bệnh viện nhưng thân nhân nuôi bệnh vẫn phì phèo. Ở khu vực khuôn viên Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nơi người bệnh và thân nhân chen chúc vì quá tải, nhiều người vẫn hút thuốc. Tình hình cũng không khá hơn tại khuôn viên của Bệnh viện Từ Dũ, khi nhiều bà bầu chờ thăm khám bị “tra tấn” bởi khói thuốc.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Hiện Việt Nam có trên 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, 4,1 triệu người khác hút thuốc lào.

Đó là chưa kể số trẻ em hút thuốc lá chưa được thống kê đầy đủ. Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cho biết còn khoảng 33 triệu người không hút thuốc buộc phải hít khói thuốc thụ động tại các gia đình.

Tại nơi công cộng, tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá cao nhất là các nhà hàng, quán giải khát với gần 90%. Ngay các cơ sở y tế, trường mầm non, tỉ lệ này vẫn ở mức cao, trên 22%.

Mỗi năm người Việt mất 14 ngàn tỷ đồng cho việc hút thuốc. Đó là chưa kể, chi phí thường niên cho 3/25 loại bệnh do thuốc lá gây ra như COPD, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim cũng ngốn thêm 2.034 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát thuốc lá, nghiêm cấm hành vi hút thuốc tại nhiều điểm công cộng hiệu lực từ 1/1/2010, nhưng đến nay việc xử lý hành vi này vẫn chưa quyết liệt.

Theo ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các cơ quan có thẩm quyền xử phạt là thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; quản lý thị trường; công an và UBND các cấp, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể để áp dụng trên thực tế.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Hiện Việt Nam có trên 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, 4,1 triệu người khác hút thuốc lào. Đó là chưa kể số trẻ em hút thuốc lá chưa được thống kê đầy đủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.