Khốn khổ vì đô thị không trường học

Khốn khổ vì đô thị không trường học
TP - Mang danh là những khu đô thị kiểu mẫu, khu đô thị hiện đại nhưng hàng chục khu đô thị của Hà Nội đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng trường học từ mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông.
Khốn khổ vì đô thị không trường học ảnh 1

Đất trường học trong khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp để hoang nhiều năm. Ảnh: Tuấn Minh.

Bác Nguyễn Trọng Khảng - Tổ trưởng Tổ 36 khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ, đang sống với vợ chồng con trai và hai cháu nội. Khu đô thị không có trường tiểu học nên cháu lớn sáu tuổi phải đưa đi học xa nhà, còn cháu gái nhỏ hai tuổi, ông bà phải thay nhau bồng bế, chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống về hưu nhiều khi còn bận bịu hơn lúc đang công tác.

Gia đình bác Khảng thuộc diện may mắn vì con cái dựa được vào ông bà, nhiều gia đình trẻ khác phải đưa đón con đi học, đi mẫu giáo xa 3 - 5 cây số.

Tại nhà Nơ 2, chúng tôi gặp cụ bà gần 80 tuổi gầy yếu, rời quê lên Hà Nội trông đứa cháu gọi bằng cụ cho bố mẹ cháu đi làm. Mắt bà kém, chân yếu mà đứa cháu gái lên ba tuổi lại thích chạy nhảy khiến bà nhiều phen thót tim.

Bác Khảng phản ánh, trong 80 hộ dân tòa nhà Nơ 2, hầu hết là các gia đình trẻ với 75 cháu nhỏ các lứa tuổi. Trong khi đó, cả khu đô thị với cả chục chung cư cao tầng không có lấy một trường công lập từ mầm non, tiểu học đến THCS.

Trường công lập của phường Hoàng Liệt từ lâu đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm học sinh. Sau nhiều năm xây dựng khu đô thị, gần đây, một số nhà trẻ tư nhân mới xuất hiện một cách tự phát do nhu cầu nhà mẫu giáo quá lớn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành áp dụng trong xây dựng đô thị quy định khá cụ thể tiêu chuẩn bắt buộc tối thiểu đối với công trình dịch vụ đô thị cơ bản.

Đối với trường mẫu giáo, chỉ tiêu tối thiểu là 50 chỗ/1.000 người, diện tích cho một chỗ tối thiểu là 15m2; Trường tiểu học chỉ tiêu tối thiểu là 65 chỗ/1.000 người; Trường THCS là 55 chỗ/1.000 người; Trường THPT là 40 chỗ/1.000 người.

Quy chuẩn này cũng quy định rõ những chỉ tiêu diện tích tương ứng với số lượng dân cư về trạm y tế, sân thể thao, thư viện, bảo tàng, triển lãm, nhà hát, cung thiếu nhi, chợ.

Đối với khu đô thị có quy mô dân số từ 20.000 người trở lên cần bố trí ít nhất một trường THPT…

Mang danh là đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội, nhưng khu đô thị Linh Đàm lại là điển hình về nạn thiếu trường học. Gần hai chục cao ốc với cả vạn dân chuyển đến sinh sống từ nhiều năm nay mà cũng không có lấy một trường công lập. Trong khu đô thị, cũng xuất hiện một vài trường mầm non tư thục nhưng, theo phản ánh của nhiều gia đình, mức học phí quá cao.

Bác Vũ Hữu Đạt - Bí thư chi bộ 12, đô thị Mỹ Đình II (thuộc huyện Từ Liêm) cho hay, tình trạng thiếu trường học, thiếu chợ, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng và nhiều hạng mục hạ tầng xã hội khác được đại diện các tổ dân phố nhiều lần phản ánh lên chính quyền, đến cả Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và nhiều cơ quan có trách nhiệm.

Tuy nhiên, chờ nhiều năm không thấy hồi âm, nhiều cán bộ có trách nhiệm thì chỉ trả lời chung chung, né tránh.

“Trong hơn một vạn dân khu đô thị Mỹ Đình có hai phần ba gia đình phải đưa con đi học trái tuyến. Mà học trái tuyến thì lại phải xin xỏ, chạy vạy. Gia đình nào kinh tế khấm khá còn đỡ, gia đình thu nhập vài triệu đồng mỗi hộ/tháng là rất căng.

Chỉ tính riêng mức thu phí mỗi cháu từ mẫu giáo tư thục đã phải hai triệu /tháng trở lên. Không có trường công lập, các cơ sở giáo dục tư thục đua nhau tăng giá” - Bác Vũ Hữu Đạt than.

Còn nữa

Tại nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư tập trung, nhiều lớp tiểu học lên tới 70 trẻ/lớp, trong khi quy định là 35 trẻ/lớp. Áp lực trái tuyến rất lớn, nhiều trường chiếm đến 50 phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh.

Hiện có khoảng 14,5 phần trăm trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và gần 80 phần trăm trẻ trong độ tuổi nhà trẻ chưa được chăm sóc và giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non. Riêng khu vực nội thành còn tới sáu phường chưa có trường mầm non công lập. Cấp học mầm non Hà Nội thiếu khoảng 700 000 m2 đất.

(Nguồn: HĐND, UBND TP Hà Nội)

Tuấn Minh

MỚI - NÓNG