Không ai có thể can thiệp hoạt động của kiểm toán

TP - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kiểm toán Nhà nước (KTNN) phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và đây là nguyên tắc sống còn của KTNN. Với nguyên tắc này, không ai có thể can thiệp hoạt động của KTNN. Trên cơ sở đó, phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, chứ không phải lợi ích của bất cứ bộ nào, ngành nào.

Bịt khoảng trống pháp lý sau kiểm toán

Tại buổi làm việc với KTNN ngày 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả KTNN đã đạt được trong thời gian qua. Theo Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp và Luật KTNN đã xác định vị trí pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Hoạt động của KTNN cũng có nhiều tiến bộ, tính chuyên nghiệp tăng lên rất cao, chất lượng các kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trọng tâm của KTNN là phải nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt cán bộ kiểm toán phải hiểu thông Hiến pháp cũng như Luật KTNN. Đồng thời, biết được cuộc sống đang cần gì, mong mỏi gì để thực hiện cho hiệu quả, sát thực tiễn, qua đó cung cấp thông tin xác thực, kịp thời cho Quốc hội.

Đáng lưu ý, tại điều 7, Luật KTNN quy định, báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ quan không thực hiện thì chế tài nào xử lý? Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây chính là khoảng trống về pháp luật nên đề nghị Ủy ban Pháp luật nghiên cứu Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán theo đề nghị của KTNN, nhằm tạo sự đồng bộ về pháp luật và đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho KTNN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, KTNN phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và đây là nguyên tắc sống còn của KTNN. Với nguyên tắc này, không ai có thể can thiệp được vào hoạt động của KTNN. Trên cơ sở đó, phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, chứ không phải lợi ích của bất cứ bộ nào, ngành nào. “Bản thân tôi là Chủ tịch Quốc hội cũng chưa bao giờ can thiệp, cũng chưa cơ quan nào lên tiếng nhờ làm nhẹ bớt kết luận kiểm toán đi”, bà Ngân nói.

3 ngân hàng mua lại O đồng tiếp tục lỗ lớn

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, qua 8 tháng đầu năm 2017, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, theo ông Tiên, qua kiểm toán tại một số địa phương, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời KTNN đã chỉ rõ một số tồn tại như việc phê duyệt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất còn tùy tiện, một số khu đô thị, nhà ở được phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chiều cao, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ dân số chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung…

Ngoài ra, qua kiểm toán tại một số bộ, ngành và địa phương, KTNN đã phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao hơn 2 nghìn biên chế. Trong đó, số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao hơn 3 nghìn viên chức. Việc sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị vượt chỉ tiêu được giao gần 7 nghìn biên chế và hơn 15 nghìn lao động, trong đó sử dụng hơn 8 nghìn lao động hợp đồng làm việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ.

Đáng lưu ý, về kết quả tái cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại được NHNN mua giá 0 đồng (NH Xây dựng, NH Đại Dương và NH Dầu khí toàn cầu), qua kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được NHNN mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.

“Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng”, ông Tiên cảnh báo.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là gần 23 nghìn tỷ đồng, riêng tăng thu về NSNN gấp hơn 4 lần so với 8 tháng cùng kỳ năm 2016. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 40 văn bản nhằm bịt lỗ hổng chính sách gây thất thoát, lãng phí. 

MỚI - NÓNG