Không bắt và xử lý được lâm tặc “đầu sỏ”

Gỗ bị lâm tặc khai thác trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa được kiểm lâm tập kết. Ảnh: Nam Cường.
Gỗ bị lâm tặc khai thác trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa được kiểm lâm tập kết. Ảnh: Nam Cường.
TP - Đó là nhận định của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng sáng 1/12 tại Đà Nẵng. Hội nghị do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, đại diện Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành tham dự.

Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, đối tượng trực tiếp phá rừng là người dân tại chỗ, dân di cư… Tuy nhiên, đối tượng đứng sau thuê đồng bào phá rừng mới là “lâm tặc đầu sỏ”. Gần như không thể phát hiện và xử lý đối tượng này.

Ngày càng tinh vi, manh động

Theo Cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 1.894 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị phá 601 ha, giảm 49,5ha so với 2013. Loại rừng chủ yếu bị phá là rừng sản xuất (488,9ha, chiếm 81,3%). So với 2013, số vụ vi phạm tăng 3% nhưng diện tích rừng giảm 7%. Đặc biệt, theo kiểm lâm, rừng bị phá trái phép chủ yếu xảy ra ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất, các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc cải tạo rừng và diện tích chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh, Cty lâm nghiệp cho địa phương quản lý. Điển hình: Đăk Nông 124,5ha; Đăk Lăk 83ha; Lâm Đồng 80ha, Sơn La 53ha, Bình Phước, Bắc Giang… Riêng Bình Định, năm qua có 46ha rừng bị phá, tất cả đều là vùng rừng đặc dụng. 

“Lâm tặc chủ yếu sử dụng cưa máy giảm thanh, có người cảnh giới, nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và tàn phá rừng nhanh. Đối tượng khai thác thường rất manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng bảo vệ” - ông Đoàn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết.

Mặc dù thời gian qua có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, đặc biệt giữa kiểm lâm và công an, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, lực lượng kiểm lâm cần phải được tăng cường, nâng cao nghiệp vụ điều tra, tố tụng hình sự. Nhà nước phải tạo thể chế, tránh hành chính hóa tội phạm phá rừng”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Manh động, theo ông Nam là lâm tặc sẵn sàng làm bị thương kiểm lâm để chạy trốn, tẩu tán tang vật hoặc trả thù, dằn mặt. Được biết, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 22 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, gây thương tích cho 7 người. “Lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng, theo quy định 500ha/1 kiểm lâm viên đối với rừng tự nhiên, đặc dụng; 1.000ha/1 kiểm lâm viên đối với rừng phòng hộ, sản xuất nhưng hiện cả nước còn thiếu khoảng 3 ngàn kiểm lâm viên. Thời gian tới lực lượng kiểm lâm sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương lao động” - ông Đỗ Trọng Kim - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp cho biết.


Theo Cục Kiểm lâm, mục đích chủ yếu của hành vi phá rừng trái phép là để lấy đất sản xuất phục vụ nhu cầu sinh sống của hộ gia đình; trồng cây nông nghiệp, công nghiệp… (404,26ha, chiếm 67%). Số còn lại là mua bán sang nhượng trái pháp luật, khai thác khoáng sản, khai thác, tận thu gỗ lâm sản có giá trị ở rừng tự nhiên. Đối tượng phá rừng chủ yếu là người dân tại chỗ, dân di cư tự do thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, có các đầu nậu thuê người dân phá rừng, tuy nhiên đối tượng này khó nhận diện và hầu hết các tỉnh đều không phát hiện và xử lý được đối tượng đầu nậu này.

Trên 18 ngàn vụ, chỉ xét xử 10 vụ!

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, mặc dù mức độ, diện tích phá rừng năm nay giảm so với 2013 nhưng thời gian qua, vẫn còn nhiều điểm nóng làm bức xúc dư luận, đặc biệt vấn đề khởi tố các vụ án phá rừng có dấu hiệu hình sự vẫn chưa thực hiện triệt để.

Dẫn chứng điều này, ông Đoàn Hoài Nam cho hay, trong số 18.417 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã xử lý thì có tới 18.222 vụ phạt hành chính, xử lý hình sự 195 vụ nhưng đưa ra xét xử có 10 vụ, đạt tỷ lệ quá thấp, chỉ 5%. Về mục tiêu trồng thay rừng đối với các chủ dự án thủy điện, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, thời gian qua, hầu như các chủ dự án không bố trí nguồn kinh phí cho hạng mục này. 

Ngoài ra, các địa phương cũng lúng túng cho việc bố trí đất trồng rừng. “Kể từ khi Bộ NN&PTNT có Thông tư 24 vào năm 2012, yêu cầu các dự án thủy điện phải trồng tổng diện tích rừng thay thế là 11 ngàn ha thì hiện chỉ mới trồng được 4 ngàn héc ta. Đến hết 2015, con số 7 ngàn héc ta còn lại bắt buộc phải hoàn thành” - ông Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.