Không chỉ là bảo vệ hòn than!

Một lò than trái phép được ngụy trang trong nhà. Ảnh: PV
Một lò than trái phép được ngụy trang trong nhà. Ảnh: PV
TP - Cho đến nay, liên quan vụ than tặc hoành hành tại mỏ than Mạo Khê (được phản ánh trên báo Lao động và các báo khác từ ngày 29-3-2010), những điều đã rõ làm ta nhức nhối. Những điều còn đang điều tra, kết quả thế nào cũng vẫn là nhức nhối; có điều chẳng bao giờ có thể rõ đến cùng, vì không phải chuyện của chứng lý mà là chuyện của tấm lòng, cũng nhức nhối không ít hơn.
Một lò than trái phép được ngụy trang trong nhà. Ảnh: PV
Một lò than trái phép được ngụy trang trong nhà. Ảnh: PV.


Cắp hay cướp?

Gọi vụ than tặc này là vụ trộm cắp rất tiện cho một số người. Thậm chí là cắp vặt thôi thì càng tốt. Chính vì thế mà người dân tại chỗ miêu tả vụ việc khác, mà nhiều người có chức trách đã cố miêu tả khác (chừng nào còn có thể). Đúng thôi: ăn cắp là xấu, nhưng nó ít hung hãn, ít trắng trợn hơn là ăn cướp, nó “hiền lành” hơn là ăn cướp. Đặc trưng của ăn cắp là lén lút. Đặc trưng của ăn cướp là áp đảo. Để bị mất trộm mất cắp thì do sơ ý thôi, chứ tôi vẫn là người chủ. Để bị ăn cướp thì có vấn đề tôi có còn đủ sức là chủ ở đó hay không.

Lén lấy trái cây trong vườn nhà người ta là ăn trộm. Lén lấy đồ trong siêu thị là ăn cắp. Chở trăm chuyến than, lén tạt ngang trút ra vài chuyến bán kiếm tiền - đó là ăn cắp than. Nhưng nếu ào ạt kéo người, kéo máy, kéo xe vào, đào xúc, xe chở than chạy “cháy đường”, ầm ỹ suốt đêm, dân không ngủ nổi; nhưng nếu việc ấy làm không phải trong một lúc, một ngày, mà nhiều ngày. Cán bộ ngăn - kệ. Bảo vệ nổ súng bắn chỉ thiên - khinh. Vậy thì là cắp hay cướp?

Gọi là cướp thôi chưa đủ đâu. Dân gian người ta còn có từ khác để gọi. Mặc dù than được đào bới, được chở đi chủ yếu ban đêm, nhưng hãy gọi đúng tên: Đây là Cướp Ngày. Những kẻ thực hiện vụ này là Quân Cướp Ngày.

Cướp to hay cướp nhỏ?

Cũng như vậy, các chi tiết cho thấy vụ này được gọi là càng nhỏ càng tiện cho một số người có chức trách, và họ đã cố làm điều đó. Không loại trừ họ vẫn cố tiếp tục vo nhỏ.

Chiến dịch cướp than diễn ra từ 29 Tết đến ngày 6 Tết vừa qua được lãnh đạo Cty Than Mạo Khê mô tả là: “Một nhóm người lợi dụng nhà, vườn nằm trên khu vực có than để lén lút đào bới, khai thác nhỏ lẻ”, “mang tính lén lút, chộp giật, số lượng không thể lớn đến mức độ báo chí nêu… khi mình không có mặt thì đối tượng chộp một tý “… và: “không thể có chuyện 27 máy xúc và 80 xe ô tô chở than như báo chí nêu”.

Báo chí chỉ nói chuyện người trong cuộc nói. Chính phụ trách bảo vệ của Cty Than Mạo Khê (nay đã bị tạm giam để điều tra vì có dấu hiệu phạm tội) công nhận: 27 Tết có 11 máy xúc vào. Tối 29 tết họ rầm rập vào, chưa từng thấy, không ngờ được, không nghĩ nó ồ ạt đến thế… máy xúc loại nặng cỡ 710, công ty còn không có loại như vậy. Xe ô tô thì nhiều lắm, từ 10 - 25 tấn. Máy xúc hôm mùng 2 tết là 27 chiếc.

Đương nhiên, những kẻ điều hành chiến dịch cướp than không ngu gì mà sử dụng 27 máy xúc phục vụ cho chỉ số ít ô tô chở than!

Cán bộ đảng viên trên địa bàn cho biết: Xe chạy cả đêm không ngớt, dân không ngủ được.

“Chộp một tý”? Theo phản ánh của cán bộ, đảng viên ở địa bàn, trước “chiến dịch”, những kẻ cướp than đã bỏ tiền cả chục tỷ đồng mua hơn chục nhà vườn của các hộ nằm trên khu vực có than. Người không bán nhà đất thì bị cô lập giữa rừng máy xúc gào thét cũng phải bỏ đi. Bài bản như vậy chỉ để “chộp một tý” ư?

Vẫn biết: lâu nay, với số không ít người trong bộ máy quản lý, khi có sự không hay xảy ra, “vo nhỏ” đã là một phản xạ tự nhiên (và hồn nhiên) của họ. Cứ thấy vo được là vo, bất kể còn có tai mắt nhân dân. Dân biết hết cái gì thực sự đã xảy ra.

Ai cướp, ai bị cướp?

Lẽ ra, câu trả lời phải rất đơn giản. Than là tài nguyên của đất nước. Tài nguyên ấy ở mỗi nơi được trao cho những người, những đơn vị, những cấp cụ thể chăm nom, bảo vệ. Trường hợp cụ thể này là Cty Than Mạo Khê. Vậy khi mất than thì người bị cướp tài sản, nói rộng ra là cả xã hội, cả đất nước, còn nói cụ thể thì là chính họ - những người lãnh đạo công ty, những người đại diện cho các cơ quan trong hệ thống chính trị của địa phương.

Nhìn về bề mặt hiện tượng thì thế này: Họ đã lường thấy các dấu hiệu “làm than” từ trước tết. Họ đã gửi công văn, giấy tờ cảnh báo. Họ đã họp bàn phối hợp. Họ đã đưa ra chỉ thị quyết tâm chống than tặc. Họ đã chặn kẻ cướp nhưng không nổi. Vậy vấn đề duy nhất của họ là “lực bất tòng tâm”. Một cái lỗi rất “hiền lành”!

Câu hỏi “ai bị cướp” chỉ dễ trả lời một nửa (đất nước, xã hội bị cướp). Nửa còn lại, liên quan đến những người có trách nhiệm cụ thể trong bảo vệ tài nguyên ở địa phương, thì không dễ. Chúng ta mong và hy vọng rằng, công tác điều tra sẽ làm rõ chuyện họ bị cướp hay họ làm ra vẻ bị cướp. Và cũng cần phải có cuộc rà soát gay gắt nhất trong hệ thống quản lý được giao trách nhiệm để có câu trả lời: Nó là cái gì - là yếu kém, bất lực, trốn tránh trách nhiệm, hay là thông đồng, dối trá?

Đừng để cái xấu lớn thành voi!

Cái mất không chỉ là than. Tôi chắc rằng không ai, từ dân thường đến lãnh đạo cấp cao, lại không tê tái khi nghe những lời sau của một đảng viên có tuổi sống ở nơi xảy ra cướp than: “Vô cùng nhục… Có tâm huyết mới nhục, chứ không có tâm huyết thì mặc kệ… mất đi cái vô giá là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở. Uy lực trấn áp tội phạm không có. Cái đấy là cái nhục… Mấy thằng làm than mà còn như thế được, nếu giặc đến thì làm sao?

Trước kẻ cướp hung hãn, người dân có thể làm gì? Sau khi họ báo lên cho nơi có sức mạnh trấn áp, mà rồi chẳng có gì ngăn được kẻ cướp, liệu còn có thể đòi hỏi gì ở họ nữa không. Tôi nghĩ là không. Cũng theo lời người đảng viên trên, dân phải xử sự theo cách “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Nhà báo có gì trong tay? Có cây bút. Cây bút là vũ khí sắc bén. Nhưng đó là theo nghĩa bóng. Còn trên thực tế, với cây bút trong tay, nhà báo không thể tự bảo vệ mình khỏi những kẻ tội phạm mà mình đã vạch ra trên mặt báo. Tác giả loạt bài về vụ cướp than ở Mạo Khê - một nhà báo của báo Lao Động, người từng cùng đồng nghiệp nhận giải cao nhất của giải Báo chí quốc gia do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao (vì đã có tác phẩm xuất sắc chống nạn than lậu) - mới đây đã nhận được cảnh báo cần thận trọng vì có âm mưu của bọn than tặc sát hại anh.

Dĩ nhiên tòa soạn báo không thể không đề nghị cơ quan an ninh có biện pháp bảo vệ phóng viên của mình. Thật bất ngờ là câu trả lời của cơ quan công an địa phương lại được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng với nội dung sau: Chuyện âm mưu sát hại không có thật. Tôi đã đọc văn bản này và ngạc nhiên thật sự trước sự thô sơ của cái văn bản ấy khi câu chuyện liên quan đến vấn đề chẳng thô sơ chút nào. Trong mọi trường hợp, khi nhà báo phanh phui cái xấu, nguy hiểm là có thật.

Trường hợp phanh phui than tặc Quảng Ninh (các thông tin nhiều năm qua đều cho thấy mức độ hung hãn của chúng), nguy hiểm đó càng có thật. Chuyện nội dung cảnh báo vào thời điểm đó đã là hiện thực chưa không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ: với những thực tế hiện nay, trong trường hợp tương tự, nhà báo cần được lưu tâm bảo vệ mà không cần có đề nghị nào.

Tôi không nghi ngờ chuyện giờ đây, đồng nghiệp ở Quảng Ninh của tôi đang được bảo vệ. Nói chuyện này, cũng chỉ để nêu một suy nghĩ không chỉ của riêng tôi. Cây bút là vũ khí chống cái ác, nhưng người cầm cây bút đó cần được bảo vệ bằng các vũ khí khác. Để họ không buộc phải làm cái việc “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Vụ cướp than ở Mạo Khê cũng như mọi vụ việc gây nhức nhối khác cần được xử lý, sao cho không kẻ xấu nào, không bọn xấu nào dám nghĩ chúng có thể thành voi!

MỚI - NÓNG