Xung quanh dự án xây dựng Trung tâm thương mại 19 - 12, nhà sử học Dương Trung Quốc:

'Không chỉ là việc giữ lại một con đường mang dấu ấn lịch sử'

'Không chỉ là việc giữ lại một con đường mang dấu ấn lịch sử'
TP - Nhà sử học Dương Trung Quốc - người viết thư ngỏ gửi Kiến trúc sư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về dự án xây dựng Trung tâm thương mại 19-12, đã trao đổi với Tiền Phong chiều qua (14/12) về dự án này.

Ông Quốc nói: “Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà văn hóa, nhà quy hoạch, kiến trúc sư và những người tâm huyết với Thủ đô xung quanh vấn đề xây dựng lại chợ 19-12”.

Biết nghe nhiều ý kiến- sẽ chỉ tốt hơn

Thưa ông, tại sao nên có một cuộc hội thảo về vấn đề xây dựng Trung tâm thương mại tại chợ 19-12?

Ý kiến người dân, ở nhiều góc độ khác nhau là rất cần thiết để lãnh đạo UBND TP Hà Nội có được cái nhìn đầy đủ, cụ thể hơn.

Và quan trọng là không phải chỉ với không gian này mà cả với nhiều không gian khác nữa của Hà Nội, cũng cần được ứng xử như vậy. Tôi rất hiểu chúng ta phải đánh giá đầy đủ giá trị của đất, nhưng không có nghĩa nơi nào sinh ra nhiều lợi nhuận, sẽ dùng để làm kinh tế.

Với thủ đô, văn hóa là vấn đề phải ưu tiên, nhất là một thủ đô văn hiến ngàn năm của chúng ta. Nghe nhiều ý kiến, tôi nghĩ sẽ chỉ có lợi cho thành phố, chứ không có gì hại cả.

Thưa ông, nhưng khu chợ 19-12 chưa từng được công nhận là một di tích?

Chúng ta chưa công nhận đây là di tích, nên mới cần bảo tồn. Tôi nghĩ, phần vật chất, chúng ta đã di dời khu mộ từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, cần trả lại tên cho con đường, trả lại tính hoàn chỉnh và không gian cho khu phố ở đây như vốn có.

Đó cũng là không gian cần cho giao thông, kể cả giao thông tĩnh. Xung quanh khu này cũng  không hề có chỗ đỗ xe. Nhưng quan trọng hơn, là trên không gian này, cần bảo đảm sự uy nghiêm của Tòa án, đó chính là ý đồ của người làm quy hoạch nơi đây.

'Không chỉ là việc giữ lại một con đường mang dấu ấn lịch sử' ảnh 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đây đã từng là nơi ghi dấu những mất mát do chiến tranh, nên làm một bức tường, không cần phải đồ sộ, để ghi lại sự kiện lịch sử.

Hơn nữa, mật độ xây dựng nhà cao tầng đã nhiều rồi, còn xây thêm nữa làm gì. Tôi chỉ muốn nói ở góc độ nghề nghiệp của mình thôi.

Các nhà quy hoạch, kiến trúc sẽ tiếp tục có ý kiến,  xem việc đặt vào đó một công trình như thế có hợp lý hay không.

Dấu ấn lịch sử đặc biệt

Thưa ông, từ góc độ lịch sử, sự kiện 19/12/1946 có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội?

Lịch sử Hà Nội đã ghi nhận những chiến công to lớn của quân và dân Thủ đô, tôi không nhắc lại. Nhưng riêng thời Tây Sơn, chúng ta đã có chiến thắng Đống Đa, để lại di tích Gò Đống Đa còn đến ngày nay.

Bên cạnh đó cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của nhân dân Hà Nội với thực dân Pháp. Chúng ta đã có hai tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tuy nhiên tượng đài chỉ mang tính biểu trưng về tinh thần anh dũng chiến đấu.

Còn những hy sinh, những mất mát quá lớn của người dân Thủ đô, của những người chiến sỹ cảm tử. Họ nằm xuống và  từng được quy tụ về đây.

Chuyện di dời ngôi mộ cũng có cái hợp lý của nó, nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan, nhưng chúng ta nên giữ lại nơi này như điểm ghi dấu lịch sử đặc biệt.

Hà Nội càng nhiều di tích, nhiều dấu ấn lịch sử thì sẽ càng quý hơn thôi. Thêm một tòa nhà, không giải quyết được vấn đề gì. Tôi muốn nhấn mạnh, là phải có tầm nhìn về quy hoạch cho Hà Nội.

Hà Nội cũng vừa tổ chức hội thảo về bảo tồn không gian kiến trúc rồi, thưa ông?

Đó là Hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu người Pháp, nhằm bảo tồn không gian kiến trúc của Pháp ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Rõ ràng đây là vùng cần bảo tồn, cần làm đẹp hơn.

Việc xây trung tâm thương mại, có thể đem lại lợi ích kinh tế nhất định, kể cả cho ngân sách. Nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt, khác với lợi ích lâu dài, có ý nghĩa cho cộng đồng. 

Tôi rất hoan nghênh nếu như Chủ tịch UBND thành phố tổ chức hội thảo sớm về vấn đề này.

Hồng Phúc
thực hiện

MỚI - NÓNG