Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa:

Không cho phép lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại VN

Không cho phép lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại VN
Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định: luật pháp VN quy định rõ là người nước ngoài không có tay nghề đều không được cấp phép vào VN làm việc.

>> Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận: có đến hàng chục ngàn lao động phổ thông nước ngoài - chủ yếu là lao động người châu Á - đã vào làm việc tại VN. Ông nói:

- Chúng tôi đã nắm được thực trạng này và thực tế Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo cơ quan lao động các địa phương tiến hành kiểm tra. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp đến Quảng Ninh, Hải Phòng (nơi có nhiều lao động phổ thông châu Á đang làm việc - BTV) kiểm tra thực tế.

Phải khẳng định lượng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép ở những địa phương này không phải ít. Như ở Quảng Ninh, Hải Phòng có lúc cao điểm lên tới khoảng 2.000 lao động ở một công trường.

Còn ở quy mô toàn quốc, theo báo cáo của các sở LĐ-TB&XH và số liệu giấy phép chúng tôi cấp thì cả nước hiện có trên 50.000 lao động đến từ hơn 40 quốc gia khác nhau, chủ yếu là lao động người châu Á. Trong đó số lao động hợp pháp, được cấp phép chiếm khoảng 70%, còn lại 30% là lao động phổ thông đến VN làm việc theo visa du lịch.

Nhập cảnh theo dạng visa du lịch mà ở lại làm việc là không hợp pháp, thưa ông?

Câu chuyện của một lao động VN ở Thái Lan

Hiện tôi đang làm việc tại Thái Lan.

Để được làm việc ở quốc gia này, đầu tiên công ty của tôi (ở Thái Lan) yêu cầu tôi gửi toàn bộ giấy tờ về bằng cấp, hồ sơ và passport để họ nộp cho Bộ Quản lý và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Cùng thời gian đó, họ gửi cho tôi bộ hồ sơ để tôi xin visa sang làm việc tại Thái Lan (không phải là xin visa du lịch), thời hạn của visa là một tháng. Khi đã có visa rồi tôi mới mua vé máy bay. Đại lý bán vé máy bay yêu cầu tôi phải mua vé khứ hồi nhưng visa của tôi là loại B, loại đi làm việc chứ không phải đi du lịch, khi đó họ mới chấp nhận bán vé một chiều.

Sau khi qua Thái Lan làm việc được một tháng thì tôi phải tự đến Bộ Quản lý và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài để họ xem mặt và ký vào giấy phép lao động. Khi có được giấy phép lao động rồi công ty sẽ bổ sung vào hồ sơ để xin cho tôi visa có thời hạn một năm.

Tôi nghĩ luật pháp VN và Thái Lan có thể khác nhau, nhưng việc họ quản lý chặt chẽ một lao động nước ngoài đến quốc gia họ như vậy là một điều rất đáng để ta suy nghĩ.

- Bộ LĐ-TB&XH chỉ cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại VN khi người đó có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật VN, đó là những lao động có bằng cấp, có tay nghề. Còn hiện nay, tại một số công trình, dự án, lao động phổ thông nước ngoài làm việc theo visa du lịch ba tháng là một sự “lách luật” của các nhà thầu, chủ đầu tư. VN không cho phép tuyển lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại VN.

Nhưng đã có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc tại VN?

- Quan điểm của Nhà nước, của Bộ LĐ-TB&XH là luôn bảo hộ lao động trong nước. Về tình trạng trên, tôi cho rằng các ngành chức năng phải tích cực vào cuộc; công an, chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện những sai phạm, xử lý đúng pháp luật...

Việc các nhà thầu tự ý đưa lao động phổ thông vào làm việc (theo dạng visa du lịch ba tháng) là một sự vi phạm. Điều đó còn do sự lơ là, thiếu kiên quyết ở cấp địa phương.

Có quy định nào về tỉ lệ lao động nước ngoài có mặt ở mỗi dự án không, thưa ông?

- Trước đây từng quy định mỗi dự án, nhà thầu chỉ được có tỉ lệ không quá 3% tổng số lao động tại dự án, nhưng đó phải là những người có tay nghề. Nhưng nay quy định này đã bỏ. Ta không có quy định về số lượng lao động nước ngoài ở mỗi dự án là bao nhiêu. Tuy nhiên, bao nhiêu đi nữa thì lao động phổ thông vẫn là đối tượng không được cấp phép.

Trong việc để lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại VN, trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH như thế nào?

- Chúng tôi cũng rất bức xúc, nhưng Bộ LĐ-TB&XH chỉ cấp phép cho lao động có nghề vào VN theo luật. Còn với lao động phổ thông, chúng tôi đang kiến nghị để xử lý những trường hợp này.

Điều kiện được làm việc tại VN

Ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết: nghị định 34/2008/NĐ-CP quy định rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài tại VN. Trong đó, về điều kiện phải là người đủ từ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia, hoặc người vào VN hành nghề y dược, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề (tức là người có trình độ, tay nghề); có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của VN cấp.

Tuy nhiên, nghị định cũng trừ một số trường hợp không cần giấy phép, đó là người nước ngoài vào VN làm việc với thời hạn dưới ba tháng. Nhưng những người này đều phải là người có tay nghề, có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm việc năm năm ở lĩnh vực đó.

Theo Đức Bình
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG