Không cho xuất thô "vàng trắng"

Không cho xuất thô "vàng trắng"
TP - Sau bài Cuộc chiến vàng trắng, phản ánh tình trạng khai thác cát trắng ở Quảng Nam chưa theo quy hoạch, ồ ạt khai thác xuất khẩu thô, ông Nguyễn Văn Thuấn - Cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) trao đổi với PV Tiền Phong.
Không cho xuất thô "vàng trắng" ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thuấn

Ông Thuấn cho biết: Tài nguyên cát trắng của Quảng Nam nói riêng, các tỉnh ven biển Trung bộ từ Quảng Bình vào Bình Thuận nói chung có trữ lượng rất lớn, dự báo khoảng ba tỷ tấn, xếp vào Top 5 trên thế giới.

Trước mắt, do nhu cầu sử dụng chưa lớn nên có một số mỏ Nhà nước đã cấp cho các DN khai thác vài năm trước. Trong quá trình khai thác, chúng ta chưa có các ràng buộc với DN về yêu cầu phải có nhà máy chế biến sâu.

Sắp tới, chúng tôi sẽ cấp cho một số DN, trong đó có Nhà máy kính nổi Chu Lai, vì họ có nhà máy chế biến sâu, đầu ra tốt, hạn chế được tình trạng xuất khẩu thô, tiến tới cấm xuất khẩu thô, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Ông có thể đánh giá về giá trị của khoáng sản này?

Cát trắng nằm lộ thiên, dân làm nhà cửa sinh sống rất đông. Dù giá trị hiện tại chưa cao nhưng nó là tài nguyên không tái tạo nên sẽ tăng dần giá trị theo thời gian.

Trước mắt, chúng ta sẽ hạn chế và cấm xuất khẩu thô và sẽ khai thác dần, với điều kiện phải đảm bảo nâng cao giá trị khoáng sản. Nhà nước sẽ đầu tư lớn cho lĩnh vực này để có chiến lược khai thác phù hợp. Quan điểm của tôi là không cho xuất thô, nếu chưa khai thác để sử dụng phục vụ nhu cầu trong nước thì nên để dành lại cho con cháu chúng ta.

Nhưng Luật của chúng ta vẫn đang cho phép xuất khẩu?

Thực ra đó là bất cập của Luật Khoáng sản. Trước đây, chúng ta khuyến khích khai thác khoáng sản. Nghĩa vụ của các DN đối với Nhà nước, địa phương thấp, thậm chí nhiều chỗ không rõ ràng. Thu ngân sách thì được ít, người dân có khi không được hưởng lợi gì. Trong khi đó, môi trường, hạ tầng bị tàn phá.

Nhìn thấy bất cập này nên chúng tôi đang soạn thảo để sửa đổi Luật Khoáng sản, sẽ trình Quốc hội vào tháng 5-2010, trên cơ sở phải kinh tế hóa ngành tài nguyên, thực hiện đấu thầu khai thác mỏ, quy định rõ nghĩa vụ của DN đối với người dân, người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ việc khai thác mỏ…

Chiến lược khai thác lâu dài tài nguyên khoáng sản của nước ta như thế nào, thưa ông?

Theo số liệu của ngành địa chất, chúng ta có ít nhất 10 loại khoáng sản lớn và rất lớn, đứng Top 5, Top 10 của thế giới, đủ để khẳng định nước ta là nước giàu tài nguyên khoáng sản. Vì thế, chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ về mặt điều tra cơ bản và chiến lược khai thác khoáng sản lâu dài cho đất nước, đối với từng loại khoáng sản, trong đó có cát trắng.

Cách đây khoảng 10 năm, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về tài nguyên khoáng sản, nhận định nước ta phong phú về chủng loại nhưng là các mỏ nhỏ lẻ, quy mô lớn ít. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã phải nhìn nhận lại bức tranh này.

Hôm 12-1, tại hội nghị tổng kết Bộ TN-MT, tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ rằng: Nếu chúng ta đầu tư cho tài nguyên khoáng sản đúng mức, đúng hướng, có chiến lược lâu dài thì tài nguyên khoáng sản sẽ là một trong những trụ cột trong nền kinh tế đất nước, có thể như dầu khí, thậm chí hơn cả dầu khí. Thủ tướng cũng nhận định như vậy và có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tổng trữ lượng cát trắng ở các mỏ đã khảo sát là 1,342 tỷ tấn. Nhu cầu cát trắng cần thăm dò đến năm 2010 là 8,4 triệu tấn; giai đoạn 2011-2015 là 7,4 triệu tấn; giai đoạn 2016-2020 là 3,7 triệu tấn.

Nhu cầu quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng cát trắng làm nguyên vật liệu xây dựng đến năm 2020 là 34,2 triệu tấn.

Tổng vốn đầu tư cho thăm dò mỏ cát trắng đến năm 2020 là 6,834 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cho đầu tư khai thác, chế biến cát trắng đến năm 2020 là 47,5 tỷ đồng

(Nguồn: Quyết định 152/2008/QĐ-TTg, ngày 28-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020).

Đức Kế thực hiện

MỚI - NÓNG