Không chống được tham nhũng, chủ tịch tỉnh nên từ chức

Không chống được tham nhũng, chủ tịch tỉnh nên từ chức
TP - Theo đại biểu QH Trịnh Xuân Thu, là “tư lệnh” ở địa phương không giải quyết nổi tình trạng tham nhũng, tiêu cực thì mà chủ tịch tỉnh nên từ chức.
Không chống được tham nhũng, chủ tịch tỉnh nên từ chức ảnh 1
Ông Trịnh Xuân Thu

Sau khi phát hiện và thông tin những tiêu cực liên quan đến nhà công, đất công, xe công, Tiền phong đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo của bạn đọc về những vụ việc có liên quan.

Bên hành lang Quốc hội (QH), trong cuộc trao đổi với báo giới về chủ đề chống tham nhũng đất đai, đại biểu QH Trịnh Xuân Thu (Thiếu tướng, Tổng Cục phó Tổng cục An ninh của Bộ Công an) nói: Việc phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng cụ thể, tôi nói thật, ít có bộ, ngành nào tự phát hiện ra tham nhũng trong cơ quan mình, cũng rất hiếm cơ quan cấp tỉnh nào phát hiện ra tham nhũng trong tổ chức mình, mà các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát thì ở đâu cũng có.

Thường thì phát hiện tham nhũng là do người dân tố cáo, do công an điều tra, do viện kiểm sát các cấp làm ra, trong đó có thể nói vai trò của báo chí là rất lớn.

Chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng đất đai nói riêng, đều khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu hết các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, đều liên quan đến đất đai, để giải quyết tốt các vụ khiếu kiện này trước hết phải làm từ những vụ việc đang gây bức bách trong dư luận.

Mà thực tế lại đang có hàng nghìn vụ việc bức bách, khiếu kiện vượt cấp từ địa phương lên T.Ư, vậy thì ở cấp T.Ư tôi cho rằng Chính phủ nên tập trung chỉ đạo giải quyết một số vụ việc điển hình, theo đó Chính phủ phải dùng các cơ quan chức năng ở T.Ư trực tiếp xuống điều tra, xác minh, làm từ đầu đến cuối và xử lý ngay. Sau đó, chúng ta nhân rộng ra, sơ kết, tổng kết để triển khai.

Còn ở cấp địa phương, phải giao cho Chủ tịch các tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài. Không có cách nào khác! Một là anh phải làm rõ, nếu dân sai thì làm rõ dân sai và giải thích rõ cho người dân hiểu, nếu cán bộ sai thì làm rõ cán bộ sai, mà cán bộ sai thì phải xử lý dù ở bất cứ chức vụ gì.

Nếu anh trả lời là trong nội bộ không có tham nhũng, tiêu cực, thì khi các cơ quan T.Ư xuống kiểm tra thấy có, tội của anh sẽ nặng hơn nhiều lần. Là “tư lệnh” ở địa phương mà không giải quyết nổi thì tôi nghĩ là nên từ chức.

Một số địa phương còn chờ đợi nghe ngóng

TP - Theo nguồn tin của Tiền phong, Ủy ban Pháp luật vừa họp phiên toàn thể thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ tọa của Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Đức Khiển. Tại phiên họp, các đại biểu đề cập về quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng;

Thái độ chờ đợi, nghe ngóng của một số địa phương, cơ sở cũng như của một bộ phận cán bộ, công chức trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng; Kết quả đấu tranh chống tham nhũng trong năm 2006; Việc nhiều bộ, ngành, địa phương thiếu tập trung, chậm trễ trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng; Vai trò của Mặt trận, các tổ chức xã hội và đặc biệt là của báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng...

Theo báo giới, việc công bố việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 của Thanh tra Nhà nước đã cho kết quả có đến 22 bộ, ngành và 40 tỉnh không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở đơn vị mình...

Kết quả phiên họp thẩm tra sẽ được Ủy ban Pháp luật báo cáo trước Quốc hội vào ngày 31/10 tới đây.

MỚI - NÓNG