Không có chuyện ăn bớt hay đánh tráo vật liệu

Không có chuyện ăn bớt hay đánh tráo vật liệu
TP- Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với một số phóng viên chiều 19/8, về việc các đốt hầm Thủ Thiêm bị nứt.

>> Nứt đốt hầm Thủ Thiêm: Chưa đến mức phải làm lại

Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố và đưa ra các giải pháp thỏa đáng, song cơ quan này cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến sự cố và trường hợp xấu nhất, các đốt hầm sẽ được đúc lại.

Chuyện bình thường nhưng đáng quan ngại!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại Việt Nam đã xảy ra các hiện tượng như tại các đốt hầm Thủ Thiêm chưa, ông Lê Quang Hùng cho rằng, đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến tại Việt Nam như tại các công trình dân dụng, công nghiệp và giao thông. Đặc biệt là các công trình bê tông khối lớn.

Việc này, theo ông Hùng, với công nghệ, trình độ và vật liệu hiện có tại Việt Nam, các nhà thầu (trong nước và nước ngoài) đều có thể khắc phục được.

“Tuy hiện tượng là… bình thường, nhưng chúng tôi rất quan ngại đối với sự cố nứt đốt hầm Thủ Thiêm” - Ông Hùng nói. Điều quan ngại này xuất phát từ mật độ các vết nứt (nhiều), vết nứt dài, sâu và rộng hơn ngưỡng cho phép. Ông Hùng cho biết, nhiều vết nứt đo được sâu vài cm nhưng cũng có vết nứt sâu trên 10cm.

Còn theo báo cáo của nhà thầu thì nhiều vết nứt dọc cao hết tường hầm (9m), nhiều vết nứt có độ rộng đến 1mm (vượt mức cho phép). Những vết nứt như vậy phải có sự quan tâm đặc biệt và phải có xử lý gia cường. Vết nứt ở đây chưa phải xuất hiện do chịu lực mà xuất hiện do các nguyên nhân khác, vì hầm chưa đưa vào sử dụng.

Ông Hùng cho biết, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, nhà thầu thi công Obayashi, tư vấn thiết kế PCI phải chịu trách nhiệm khắc phục và xử lý các vết nứt này.

Hiện nay nhà thầu đã có báo cáo về nguyên nhân và đánh giá và đề xuất giải pháp. Tiếp theo chủ đầu tư phải thể hiện quan điểm về việc này, hợp lý hay không hợp lý, lựa chọn giải pháp nào.

Không có chuyện ăn bớt hay đánh tráo vật liệu

Trả lời câu hỏi của PV về khả năng có thể do ăn bớt vật liệu hoặc đưa vật liệu không đúng chủng loại vào công trình nên xảy ra nứt, ông Hùng cho rằng nguyên nhân gây nứt bê tông hoàn toàn do kỹ thuật và cá nhân ông không nghĩ đến khả năng xảy ra tình trạng ăn bớt hay đánh tráo vật liệu.

Về các vết nứt dẫn đến khối bê tông dày 1,5 m bị thấm nước mưa, nhỏ giọt xuống nền, ông Hùng trả lời: “Phải xem vị trí vết nứt là ở đâu, nếu ở thành bê tông thì có thể là do bị thấm trong thời gian nghỉ giữa các mẻ đúc. Khắc phục vấn đề này có thể bơm keo và các phụ gia. Nếu thấm ở giữa bản nắp thì đó là bị thủng”.

Ông Hùng cũng giải thích, các vết nứt đó chưa nghiêm trọng đến mức phải cho dừng lại. Việc này không vượt ngoài giới hạn. Những sự cố này vẫn có khả năng sửa chữa được, chưa đến mức phải đập đi làm lại.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi nếu việc khắc phục vẫn không đảm bảo an toàn hay tuổi thọ công trình thì sẽ xử lý ra sao, ông Hùng nhận rằng nếu sự cố nứt tiếp tục diễn biến phức tạp, việc khắc phục được tiến hành nhưng khi kiểm tra thấy không đảm bảo thì chắc chắn trường hợp xấu nhất là phải đúc lại.

Về trách nhiệm của các bên sẽ được làm rõ thông qua hợp đồng và các quy định của luật pháp.

Những cảnh báo sớm đã bị  bỏ qua?

Khi việc đúc 4 đốt hầm mới bắt đầu, tháng 10/2007, Thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và ông giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây cảnh báo những vấn đề về lún lệch, tính bền vững của vật liệu chống thấm.

Công văn này có đoạn: “Nhà thầu thiết kế chưa làm rõ được việc giải quyết sự co ngót bê tông tại vị trí tiếp giáp của các bản đáy giữa các đợt đổ các đoạn bê tông.

Nhà thầu thiết kế đã có biện pháp chống thấm mặt ngoài theo chu vi đốt hầm (bản đáy, tường ngoài và bản nắp) bằng việc phủ lớp vật liệu hữu cơ.

Tuy nhiên, về lâu dài thì tính chống thấm của vật liệu này sẽ có nhiều hạn chế do sự lão hóa của vật liệu hữu cơ theo thời gian”.

Thường trực Hội đồng nghiệm thu cũng cảnh báo về bãi đúc Nhơn Trạch: “Độ lún nền tại vị trí đốt hầm số 1 giai đoạn 1 là phù hợp với tính toán của nhà thầu thiết kế (trung bình 5 mm) còn độ lún nền tại đốt 4 giai đoạn 1 là từ 7 đến 12 mm, đã vượt quá độ lún cho phép (độ lún cho phép là 5mm).

Đối với hầm dẫn hở, kết quả quan trắc cho thấy độ lún không đồng đều, nhà thầu thiết kế chưa đưa ra bảng tính dự báo độ lún và chuyển vị cho phần hầm dẫn này.

Theo kết quả này, khu vực nền hầm dẫn hở phía Thủ Thiêm độ lún lên đến 16 cm, đã vượt quá mức độ cho phép.

Thường trực Hội đồng này cũng yêu cầu  tư vấn PCI làm rõ nguyên nhân việc sử dụng vật liệu có nhiều yếu tố không phù hợp về độ bền của bê tông gây ảnh hưởng tới tuổi thọ công trình như: Nếu chỉ dùng bê tông với cấp 30 (cường độ 30 Mpa) thông thường thì có đảm bảo tuổi thọ trên 100 năm cho công trình trong điều kiện ăn mòn của nước sông Sài Gòn?

Đề nghị tư vấn PCI lưu ý nước dùng đổ bê tông có hàm lượng muối Clorua lớn (9%), độ pH nhỏ (5,8) nên có thể ăn mòn cốt thép của bê tông.

Trên thực tế, đã có nhiều cảnh báo đến nay thành hiện thực, không biết những cảnh báo còn lại của Hội đồng nghiệm thu nhà nước có tiếp tục thành hiện thực? Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng cả chủ đầu tư và tư vấn cũng như nhà thầu đã bỏ qua những cảnh báo sớm này?

MỚI - NÓNG