Văn Giang - Hưng Yên:

Không có lối đi, người chết ba ngày vẫn chưa được chôn

Không có lối đi, người chết ba ngày vẫn chưa được chôn
TP - Suốt ba ngày qua (7-9/10), thi hài cụ Lê Văn Quảng vẫn chưa được khâm liệm, an táng vì gia đình không thể chuyển quan tài từ ngoài đường làng vào trong nhà do lối đi đã bị hàng xóm bịt kín.
Không có lối đi, người chết ba ngày vẫn chưa được chôn ảnh 1
Cuối ngày 9/10, chính quyền địa phương đã phải cưỡng chế mở lối đi vào nhà cụ Thanh

 “Lối đi duy nhất của gia đình đã bị hàng xóm xây gạch bịt kín từ gần 3 năm qua”- Cụ Lê Thị Thanh, vợ  người quá cố đau đớn nói.

Thi hài phải chờ… mở ngõ

Ông Lê Đình Trọng, con trai cụ Quảng cho biết: Cụ Quảng qua đời lúc 1 giờ sáng ngày 7/10 (thứ Bảy) ở tuổi 87. Sau khi cụ mất, gia đình đã làm giấy báo tử và đề nghị chính quyền xã giải quyết lối đi để tổ chức tang lễ.

Tuy nhiên, đến sáng  9/10, sau gần 3 ngày cụ Quảng mất, chính quyền thôn và xã Xuân Quan vẫn chưa có biện pháp giải quyết.

Trong những ngày qua, các con cụ Quảng đã nhiều lần kiến nghị ông Nguyễn Cảnh Hưng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan có biện pháp mở lối đi cho gia đình nhưng ông Hưng chỉ trả lời: “Việc này phải đợi báo cáo lên trên, phải đợi đến thứ hai, vì ngày nghỉ xã và huyện không làm việc!”.

Vì phải chờ xã làm việc, mấy ngày qua, gia đình phải dùng đá lạnh để bảo quản thi hài người chết.

Có mặt tại gia đình cụ Thanh sáng 9/10, phóng viên Tiền phong chứng kiến cảnh nhiều bà con lối xóm đến thăm hỏi phải trèo qua tường mới vào được trong nhà cụ Thanh.

Do không có lối đi, gia đình cụ Thanh không chuyển được quan tài vào nhà. Vì vậy, gia đình chưa phát tang và thi hài người chết vẫn phải nằm trên giường, chưa được khâm liệm.

Được biết, trước đây gia đình cụ Thanh cùng 3 gia đình khác có một ngõ đi chung với gia đình hàng xóm-bà Đàm Thị Tỵ. Ngõ đi này đã tồn tại nhiều đời, được thể hiện trên bản đồ số 299/TTg năm 1982 của xã Xuân Quan.

Hàng chục năm qua, các gia đình này vẫn sử dụng ngõ đi chung. Việc tranh chấp ngõ chỉ bắt đầu phát sinh từ năm 1993. Lúc đó, chính quyền xã Xuân Quan đã cho vẽ lại và công bố một bản đồ phân thửa địa giới của xã.

Trong bản đồ này, ngõ đi chung của các gia đình đã không được thể hiện như hiện nay. Thay vào đó, những người lập bản đồ vẽ thêm một ngõ đi mới cho gia đình cụ Thanh, nếu căn cứ vào tấm bản đồ này, ngõ sẽ đi trên... nóc bếp nhà cụ Thanh.

Dựa vào tấm bản đồ 1993, gia đình bà Tỵ đã tranh chấp, sau đó cho con cháu xây gạch bịt kín lối đi của những nhà hàng xóm.

Nhiều năm qua, việc đi lại, sinh hoạt của gia đình anh Trọng (trong đó có cụ Thanh, cụ Quảng đều ngoài 80 tuổi), và 3 gia đình khác đều phải trèo qua một bức tường cao gần 2 mét (nhà bà Lê Thị Hồng) để ra ngoài.

Theo tập tục của người dân địa phương, người chết phải được tổ chức tang lễ đàng hoàng, “sống đi đường nào thì chết đi đường đó”. Hơn nữa, người dân ở đây cũng kiêng không cho quan tài người chết đi nhờ qua nhà.

“Tôi không thể cho gia đình cụ Thanh đưa quan tài qua nhà vì đó là điều kiêng kỵ của dân chúng tôi”-Bà Lê Thị Hồng, người hàng xóm tốt bụng  vẫn cho gia đình cụ Thanh trèo tường đi nhờ qua nhà nói.

Chính vì vậy, cho đến sáng 9/10 gia đình cụ Thanh vẫn phải đau xót nhìn thi hài người chết nằm chờ, chưa biết đến bao giờ mới an táng được người thân.

Chính quyền bất lực?

Việc tranh chấp ngõ đi giữa gia đình bà Tỵ với gia đình cụ Thanh đã xảy ra nhiều năm. Chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh đã nhiều lần thanh tra, ra văn bản kết luận.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên giải quyết dứt điểm vụ việc để các gia đình có ngõ đi chung. Tuy nhiên, không hiểu sao vụ việc cứ luẩn quẩn, lặp đi lặp lại: Cưỡng chế mở ngõ đi chung - bịt ngõ - giữ nguyên hiện trạng-trả lại nguyên trạng ngõ đi?

Năm 2002, TAND huyện Văn Giang đã ra quyết định số 01 cưỡng chế tháo dỡ việc xây dựng trái phép, trả lại ngõ đi chung. Quyết định của Toà án ghi rõ: “Trả lại ngõ đi cho gia đình ông Quảng theo trích lục bản đồ số 299/TTg tờ số 5”.

Bà Tỵ đã nhận 1.000.000đ tiền hỗ trợ tháo dỡ và cam kết không vi phạm cản trở lối đi các nhà bên trong. Thế nhưng, năm 2004, bà Lý Thị Hiệp, Chánh Thanh tra huyện Văn Giang, ông Nguyễn Văn Đán, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên lại ra quyết định cho phép bà Tỵ bịt lối đi chung một lần nữa.

Trong đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, cụ Lê Văn Quảng viết: “Từ tháng 7/2004 đến nay, chúng tôi bị cầm tù trong chính khuôn viên nhà mình, mọi sinh hoạt đều phải trèo qua tường nhà hàng xóm. Cuộc sống vô cùng cơ cực”. Xin nhắc lại, vợ chồng cụ Quảng khi đó đều trên 80 tuổi.

Thật lạ, ngày 15/6/2006, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định số 1284/QĐ-UBND (do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Quán ký) giải quyết việc khiếu nại của ông Lê Văn Quảng, ghi rõ: “Giữ nguyên ngõ đi theo bản đồ thực hiện đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ (tức là trả lại ngõ đi chung - PV”).

Quyết định ghi rõ “đây là quyết định cuối cùng giải quyết khiếu nại tố cáo”. Nhưng sau gần 4 tháng, quyết định này vẫn không được cấp dưới thi hành.

Trao đổi với Tiền phong, sáng 9/10, ông Trần Hữu Lợi, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên nói: “Vì gia đình bà Tỵ khiếu kiện, nên phải chờ đợi ý kiến của Trung ương!”.

Cuối chiều qua (9/10), chính quyền xã Xuân Quan và Công an huyện Văn Giang đã phải cưỡng chế mở ngõ đi qua vườn nhà bà Tỵ vào nhà cụ Thanh, tạo điều kiện để gia đình làm lễ tang cho người quá cố. “Vì không còn cách nào nên gia đình tôi phải chấp nhận”- Ông Lê Đình Trọng, con cụ Thanh, nói.
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.