Họp báo về vụ hoảng loạn tại PTSC M&C:

Không có ô nhiễm phóng xạ

Không có ô nhiễm phóng xạ
TP - Xung quanh vụ hoảng loạn tại PTSC M&C, Tiến sĩ Đặng Thanh Lương khẳng định việc rơi nguồn phóng xạ chỉ là một sự cố chứ không gây ô nhiễm và rò rỉ phóng xạ.
Không có ô nhiễm phóng xạ ảnh 1
Giàn BOD, nơi xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ

19 giờ tối ngày 30/12/2007, tại  Công trường chế tạo giàn khoan thuộc Cty Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC M&C cảng hạ lưu dịch vụ dầu khí Vũng  Tàu, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng Cty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC, Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ), gồm các ông  Lê Minh Hồng, Phó Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Chủ tịch HĐQT PTSC; Thái Quốc Hiệp, Tổng giám đốc PTSC; Tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ)... đã có cuộc họp với các cơ quan báo chí và các bên liên quan.

Như tin đã đưa trưa 28/12/2007, tại công trường chế tạo kết cấu thượng tầng giàn khoan BOD của PTSC M&C  đã xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ thiết bị chụp ảnh các mối hàn giàn khoan khiến 455 công nhân và kỹ sư đang làm việc hoảng loạn.

Ngày 29/12/2007, 140 CN đã vào bệnh viện điều trị vì nghi nhiễm phóng xạ,  trong đó PTSC M&C đã chuyển 23 CN lên Viện xét nghiệm hạt nhân kiểm tra sức khỏe. Theo BS Trần Văn Bảy - Giám đốc BV Lê Lợi, những CN vào bệnh viện đau đầu có thể chỉ là  biểu hiện tâm lý lo lắng. 

Theo thông tin từ lãnh đạo tập đoàn dầu khí Việt Nam và PTSC, hiện tại Bệnh viện Lê Lợi TP Vũng Tàu chỉ còn 5 CN. 23 CN tới Viện hạt nhân Đà Lạt khám xét nghiệm cho kết quả sức khỏe bình thường đang trên đường về Vũng Tàu.

11 giờ trưa ngày 30/12, Cục  Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ), Đại diện Trung tâm hạt nhân TPHCM, Sở Khoa học Công nghệ cùng  tập đoàn dầu khí và PTSC đã tới hiện trường đo đạc các thông số và vị trí nguồn phóng xạ (bị rơi  trưa 28/12 và thu hồi lúc 15 giờ ngày 28/12) bằng 5 máy đo phóng xạ khác nhau cho thấy môi trường xung quanh bảo đảm an toàn cho người làm việc không có ô nhiễm phóng xạ và không có biểu hiện rò rỉ phóng xạ.

Các số liệu phù hợp với kết quả đo ngày 28/12. Tiến sĩ Đặng Thanh Lương cho biết  nguồn phóng xạ rơi nhỏ 3mm và còn có vỏ bảo vệ, CN làm việc ngay sát nguồn phóng xạ bị rơi  mức độ ảnh hưởng chỉ ngang bằng  một lần chụp citi toàn thân.

Tiến sĩ Lương khẳng định việc rơi nguồn phóng xạ chỉ là một sự cố chứ không gây ô nhiễm và rò rỉ phóng xạ.

Trước băn khoăn của nhiều người về việc liệu nguồn phóng xạ của Cty Alpha bị rơi có gây rò rỉ phóng xạ, TS Đặng Thanh Lương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân nói:

Phải nói rằng sự cố xảy ra là điều đáng tiếc. Trong công nghệ chụp NDT, những trục trặc kỹ thuật rơi ra khỏi bình chứa nguồn thường xảy ra, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các nhà chụp ảnh công nghiệp phải có kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Cũng nhờ kế hoạch ứng phó này mà Cty Anpha đã kịp thời ứng phó và phối hợp với nhà thầu chính PTSC tìm ra rất nhanh nguồn phóng xạ.

Trong công nghệ chụp ảnh các mối hàn người ta sử dụng nguồn phóng xạ ít, nó được bao bọc trong những hộp thép không gỉ với một cấu trúc rất chặt và đủ độ an toàn, phải nung trong một nhiệt độ rất cao mới có thể nóng chảy và chỉ có trong trường hợp đó, chất phóng xạ mới có thể thoát ra, gọi là rò rỉ phóng xạ.

Trường hợp đây chỉ là nguồn phóng xạ rơi ra khỏi thiết bị làm việc, đây là một trục trặc kỹ thuật. Không có nhiễm độc cho con người và ô nhiễm môi trường. 

MỚI - NÓNG