Mở bể than 210 tỷ tấn ở đồng bằng sông Hồng:

Không đánh đổi lúa lấy than

Không đánh đổi lúa lấy than
TP - Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Ngay sau đó, dư luận đã có nhiều ý kiến phản biện trái chiều, thậm chí lo ngại.

Trò chuyện với Tiền Phong, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, người chấp bút xây dựng đề án, khẳng định: “Nếu phải di dân, mất đất lúa đừng bao giờ khai thác”.

Làm là có rủi ro

Sao lại phải mở bể than ĐBSH, thưa ông?

Vì nền kinh tế của VN sẽ bị mất cân đối về than và điện.

Có cách nào khác để không phải mở bể than không?

Có nhiều giải pháp, chấp nhận nhập khẩu than; đẩy mạnh và phát triển vượt bậc các dự án điện nguyên tử; tiết kiệm năng lượng một cách triệt để; phát triển tối đa các nguồn năng lượng tái tạo khác như sinh khối, mặt trời, gió, địa nhiệt, thủy triều, sóng biển v.v.

Không đánh đổi lúa lấy than ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn

Tuy nhiên, nhập khẩu than sẽ là cả một vấn đề. Điện nguyên tử thì chúng ta cũng đã và đang bắt đầu chuẩn bị. Có phát triển nhiều và mạnh được hay không còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Tiết kiệm năng lượng có tiềm năng rất lớn và cũng rất khả thi. Một phần ba nhu cầu về năng lượng của chúng ta sẽ được đáp ứng bằng cách tiết kiệm năng lượng. Quốc hội đang xem xét để thông qua dự thảo luật về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác cũng rất khả thi và sạch. Có điều, các nguồn năng lượng này chủ yếu đáp ứng cho các nhu cầu tại chỗ. Còn ở qui mô lớn không thể thay thế được cho các nguồn năng lượng hóa thạch (như uranium, than, dầu mỏ và khí đốt).

Còn việc phát triển bể than ĐBSH có thể tránh, hoặc giảm, hoặc phân tán được rủi ro cho nền kinh tế khi phải nhập khẩu than hay phải phát triển quá nhiều điện nguyên tử. Tất nhiên cả ba giải pháp này đều có rủi ro nhất định.

Nhưng giải pháp nào ít rủi ro nhất, thưa ông?

Ít rủi ro nhất là chúng ta không làm gì cả. Còn một khi đã làm, giải pháp nào cũng có rủi ro. Chúng ta phải quản lý được rủi ro, hạn chế được các mặt tiêu cực.

Rủi ro lớn nhất của việc phát triển bể than ĐBSH là gì?

Rủi ro về tài nguyên và rủi ro về môi trường đều là những rủi ro rất lớn.

Đối với chủ đầu tư, thì rủi ro về tài nguyên là nguy hiểm nhất, còn đối với xã hội thì rủi ro về môi trường là nguy hiểm nhất.

Giữ đất lúa, không di dân

Vậy giải pháp hạn chế rủi ro của TKV khi mở bể than ĐBSH là gì?

Trước hết, liên quan những rủi ro về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới môi trường tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên, chúng tôi quan tâm nhiều hơn tới môi trường đất và môi trường nước. Nói như thế, không có nghĩa là bỏ qua môi trường không khí, môi trường sinh vật (fauna & flora).

Nội dung chính của Đề án Phát triển Bể than ĐBSH là thăm dò địa chất và thử nghiệm công nghệ.

Về thăm dò địa chất, “phấn đấu đến năm 2010 thăm dò tỉ mỉ một phần tài nguyên của bể than ĐBSH; đến năm 2015 thăm dò đánh giá xong phần tài nguyên của bể than ĐBSH”;

Về thử nghiệm công nghệ, “Bể than ĐBSH trong giai đoạn đến năm 2010, đầu tư thử nghiệm một số dự án với công nghệ khai thác truyền thống bằng phương pháp hầm lò và công nghệ khí hóa than, than hóa lỏng để làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển sau năm 2010”.

Đối với môi trường đất, trước hết, TKV đã loại trừ phương pháp khai thác lộ thiên, là phương pháp có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất. Chúng tôi chỉ dự tính khai thác bằng phương pháp hầm lò và khí hóa than ngầm dưới lòng đất. Hai phương pháp này cũng có những ảnh hưởng đến mặt đất tuy ít hơn nhiều so với phương pháp lộ thiên.

Khi thử nghiệm hai phương pháp này, vấn đề lo lắng nhất của chúng tôi là lún sụt mặt đất. Khi lấy than, chúng ta sẽ tạo ra các khoảng trống trong lòng đất. Các khoảng trống này sẽ bị đất đá bên trên đổ xuống và lấp đầy, kéo theo sự dịch chuyển của các tầng đất đá nằm bên trên (võng xuống). Trong các điều kiện nhất định, sự dịch chuyển này của các tầng đất đá bên trên có thể sẽ ảnh hưởng tới mặt đất (ví dụ trong trường hợp chúng ta khai thác than ở độ sâu nhỏ - gần mặt đất).

Còn nếu chúng ta khai thác than ở độ sâu lớn, các dịch chuyển này có thể sẽ không ảnh hưởng tới mặt đất. Còn sâu bao nhiêu thì chúng ta phải tính toán, phải thử nghiệm.

Phương châm của TKV khi khai thác than ở ĐBSH là không thu hồi đất, không di dời dân. Chúng tôi đã xác định ngay từ đầu khi báo cáo đề án với lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là, nếu phải di dời dân, phải đền bù giải phóng mặt bằng thì không thể khai thác than ở ĐBSH được.

Còn vấn đề nước, ai cũng rõ, đồng bằng có rất nhiều nước, bao gồm nước mặt, nước mạch, nước ngầm. Hệ thống thủy lợi (ao, hồ, đầm, sông, ngòi) của ĐBSH rất dầy đặc. Nếu bình tĩnh để nhận biết thì chúng ta thấy đỡ sợ hơn.

Ý tôi muốn nói là, nước ở ĐBSH chủ yếu là nằm trong tầng địa chất có tên gọi là Đệ Tứ - hay còn gọi là tầng đất phủ đệ tứ. Tầng chứa nước này nằm ở độ sâu cách mặt đất khoảng 150 - 200m. Còn than ở ĐBSH lại nằm hoàn toàn ở tầng Neogen ở độ sâu cách mặt đất từ 150 - 2.000m. Tức là tầng chứa than thì rất dầy và nằm sâu hơn. Theo tài liệu địa chất, ở tầng Neogen rất ít nước.

Điều quan trọng và khó khăn nhất là phải bảo vệ được tầng Đệ Tứ chứa nước không bị ảnh hưởng khi khai thác than. Vì vậy, trong đề án, chúng tôi đưa ra một giải pháp trọn gói là coi cả tầng Đệ Tứ là đối tượng cần được bảo vệ khi thiết kế các giải pháp công nghệ khai thác than.

Bảo vệ được tầng Đệ Tứ thì chúng ta bảo vệ được nước ngầm, bảo vệ được mặt đất, bảo vệ được các khu dân cư, bảo tồn được đất canh tác và, như vậy, không phải di dân hay đền bù giải phóng mặt bằng và việc khai thác than bên dưới sâu cũng an toàn hơn.

Nhưng thực hiện như ông nói sẽ rất tốn kém, khó có lãi?

Đúng là rất tốn kém, nhưng chủ yếu là tốn kém cái chúng ta đang có, chưa phải là tốn kém cái chúng ta không có. Giải pháp trọn gói này đòi hỏi chúng ta phải chịu lãng phí tài nguyên than, phải để lại trong lòng đất nhiều than hơn. Những vỉa than nằm bên trên, gần tầng Đệ Tứ, chúng ta sẽ không động đến để lại làm tầng ngăn cách nước, tầng bảo vệ.

Nếu lãng phí tài nguyên than thì sao không để lại cho con cháu chúng ta sau này khai thác?

Kể cả các chắt chút của chúng ta sau này có làm thì cũng phải lãng phí như vậy thôi. Không còn cách nào khác đâu. Trừ khi, chúng ta không coi nước ở ĐBSH là vấn đề sống còn của nông nghiệp.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đề án là gì?

Chúng tôi rất đồng ý với ý kiến của các nhà khoa học, khó khăn lớn nhất là vấn đề công nghệ. Muốn giải quyết tốt vấn đề công nghệ, chúng tôi đang gặp một khó khăn khác tiếp theo, là chưa có đủ các thông tin về địa chất. Chính vì thế, Thủ tướng đã yêu cầu phải thăm dò địa chất tỉ mỉ và thử nghiệm các công nghệ khai thác khác nhau.

Mong được nhiều người phản biện

Đề án vừa trình Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều ý kiến phản biện trái chiều. Ông đón nhận những phản biện đó thế nào?

Khi tiến hành phản biện các vấn đề kinh tế, cũng giống như trong khoa học, chúng ta có dịp để nhấn mạnh những cái đúng, đồng thời phải chỉ ra những cái sai. Như vậy, nếu chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản biện thì sẽ càng có ích hơn trong quá trình triển khai sau này và tính khả thi của đề án càng cao.

Vì vậy, chúng tôi đã chủ động cộng tác với nhiều cơ quan báo chí để giới thiệu đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, xin các ý kiến phản biện rộng rãi của nhân dân.

Ông đánh giá như thế nào về các ý kiến của cơ quan phản biện?

Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và Liên Hiệp các Hội KH&KT VN là đơn vị được Bộ Công Thương mời phản biện chính cho đề án. Hầu hết các ý kiến của cơ quan phản biện đã được TKV tiếp thu bằng văn bản gửi hội đồng thẩm định.

Hầu hết có nghĩa là chưa hết?

Duy nhất có một ý kiến của VUSTA chúng tôi chưa thể tiếp thu được. Đó là ý kiến cho rằng đề án còn sơ sài. Thực ra, đề án của TKV rất chi tiết, bao gồm nhiều dự án. Trong mỗi dự án, TKV đã nêu rõ các nội dung, số liệu tính toán sơ bộ, những kết quả thống nhất với các đối tác nước ngoài.

Đề án không phải là “báo cáo đầu tư” hay “thiết kế kỹ thuật” của dự án, không phải cái gì cũng “tính toán cụ thể” được. Nếu nói “sơ sài” thì chính là tài liệu địa chất, những gì TKV được thừa hưởng từ khâu thăm dò địa chất trước đây.

Theo dõi nội dung phản biện trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông lo nhất điều gì?

Bất cứ điều gì bạn đọc nêu ra theo chiều phản đối đề án tôi đều lo cả. Tôi ngại nhất là kiểu phản biện vơ đũa cả nắm. Cứ đụng đến việc khai thác tài nguyên là phản đối, mà không quan tâm tới những lợi ích của việc khai thác nó.

Ý kiến phản biện nào ông thấy tâm đắc nhất?

Không khai thác than ở ĐBSH bằng mọi giá, hay không đánh đổi lúa lấy than. Vì chúng tôi cũng nghĩ và đang hành động như vậy.

Cám ơn ông!

Bá Kiên
thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG