Trưởng Ban Tổ chức T.Ư:

'Không để cán bộ sử dụng quyền lực như là tài sản riêng'

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính (ảnh Văn Kiên)
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính (ảnh Văn Kiên)
TPO - Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho hay, nhiều người khi được giao quyền, giao chức vụ thì coi đó như là quyền riêng của mình, rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào bộ máy.

Cán bộ ề à, bộ máy rườm rà

Tại Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội ngày 25/12, ông Phạm Minh Chính -  Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thẳng thắn cho rằng, ở thời buổi hiện tại, các cơ quan, đơn vị vẫn hình thành bộ máy cồng kềnh, thậm chí nhiều hơn cả thời bao cấp là "hết sức lạc hậu".

“Chúng ta cứ đánh giá biển đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng, khó lường mà cán bộ cứ ề à, rề rà; bộ máy cứ rườm rà, hệ thống vận hành cứ chậm chạp thế này chỉ có hại của thôi”, ông Chính nói.

Lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư cũng thẳng thắn bày tỏ rằng, đổi mới tổ chức, bộ máy là khó. “Đổi mới bao giờ cũng khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta phải kiên nhẫn kiên trì, thuyết phục lẫn nhau”, ông Phạm Minh Chính nói.

Theo ông Chính để xảy ra các vụ việc như vừa qua là do quyền lực không được kiểm soát. “Tại sao nhiều nơi đưa con em, cháu chắt của mình vào nơi thuộc thẩm quyền của mình. Nhưng quyền có phải của mình đâu”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, chức vụ, quyền hạn mà nhà nước giao là để cán bộ thay mặt tổ chức, nhà nước thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều người cứ nghĩ quyền ấy là quyền của mình, là tài sản của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà vào bộ máy.

Công khai, minh bạch để giám sát quyền lực

Để kiểm soát quyền lực, ông Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư đã xây dựng 7- 8 quy định mới thay thế cho các quy định cũ về công tác cán bộ.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 105, trong đó phân cấp rõ ràng thẩm quyền về công tác cán bộ, đồng thời xác đinh luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định thế nào. 

Cũng theo ông Chính, quy định mới cũng thực hiện phân cấp mạnh về công tác cán bộ. Trước đây, Ban Tổ chức T.Ư phải xem xét 12 nghìn cán bộ cấp tỉnh ủy viên và hơn 2000 cán bộ thường vụ cấp ủy.

"Số lượng nhiều như thế thì sao làm hết được mà chỉ là hợp thức hóa. Đúng thì không sao nhưng nếu có sai thì cũng sẽ là hợp thức hóa cho cái sai. Xấu mà viết thành tốt thì mình cũng khó biết và phát hiện ra”, ông Chính nói.

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, lần này công tác cán bộ có rất nhiều quy định mới. Trong đó tăng cường sự công khai, minh bạch, vì giám sát quyền lực tốt nhất là công khai minh bạch.

“Bây giờ tại sao đưa con, đưa cháu chắt nhà mình vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình. Nhưng thực tế có phải quyền lực của mình đâu, mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt nhà nước, tổ chức. Nhưng nhiều người cứ coi quyền đó như là quyền của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào”, ông Phạm Minh Chính nói.

Từ đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương mong muốn các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực. “Không để cán bộ, lãnh đạo quản lý sử dụng quyền lực được Nhà nước giao như là tài sản riêng của bản thân”, ông Chính nói.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.