Không để 'có 300 lạng việc này mới xong'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Q.H.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Q.H.
TP - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, tham nhũng, tiêu cực trong đất đai còn rất lớn. Thủ tướng yêu cầu không được bán chỉ định tài sản đất đai mà phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước.

Nhanh nhưng không được ẩu

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quản lý đầu tư công chặt chẽ đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức. “Ai ngâm lâu hồ sơ, vi phạm kỷ luật thì phải xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Ta chống cái làm chậm, ngâm lâu, phải yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật”, Thủ tướng nói và nhắc nhở thực tế là nhiều trường hợp, do yêu cầu của các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau, nên mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.

Nhắc đến tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư, nghiên cứu, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu..., Thủ tướng đề nghị “phải chống cho bằng được vấn đề trên, không để tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, lãng phí trong đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn lớn. Việc quyết định dự án đầu tư không sát thực tế, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến lãng phí.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu từ nay trở đi, đất đai phải được đấu giá công khai, có hình thức phù hợp. “Đất mà tự giao cho nhà đầu tư thì dễ gây thất thoát lớn lắm. Do đó, không được bán chỉ định đất đai mà phải đấu giá công khai để thu lời cho Nhà nước. Cái này gây thất thoát rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng, cơ chế đất đai còn nhiều bất cập, nhất là hiện tượng xin - cho dự án trong việc di dời trụ sở các cơ quan đơn vị ở vị trí đất vàng, dẫn tới chênh lệch địa tô lớn. Để khắc phục vấn đề này, ông Hùng đề nghị Nhà nước chỉ thực hiện cơ chế thu hồi đất khi rất cần thiết, cần quy định đấu thầu đất với mọi dự án phát triển kinh tế không vì mục đích an ninh - quốc phòng. Ông Hùng đề xuất chỉ nên ban hành Thuế Tài sản sau năm 2020 nhưng kèm theo đó là sửa đổi Luật Đất đai để giảm nhẹ khoản thu tiền sử dụng đất. Đồng thời chỉ đánh thuế người có nhiều nhà có giá trị lớn hoặc những trường hợp đầu cơ, mua nhưng không đưa nhà, đất vào sử dụng.

Chỉ 3% chung cư cũ được cải tạo

Đề cập vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết, việc triển khai rất chậm chạp. Ở hai thành phố lớn nhất cả nước, tỷ lệ chung cư cũ được cải tạo chỉ chiếm 3% tổng số nhà chung cư cũ, xuống cấp, đang de dọa an toàn và tính mạng của người dân.

Ông Hùng cho rằng, Nhà nước phải có vai trò chủ đạo trong việc kiểm tra công trình, điều tra xã hội học, lập quy hoạch cải tạo xây dựng toàn khu (hiện đang thực hiện chủ yếu theo hướng xã hội hóa giao chủ đầu tư thực hiện nên rất khó hài hòa giữa 3 lợi ích nhà nước - người dân và chủ đầu tư). Đồng thời, Nhà nước phải có cơ chế dành quỹ đất, kinh phí triển khai đồng bộ dự án, mặt khác có cơ chế kêu gọi và đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư.

Bình luận những thông tin ông Hùng đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh con số mới chỉ 3% chung cư cũ được cải tạo, còn 97% chưa cải tạo là rất thấp. Lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở các thành phố “đừng để cháy nhà rồi, chết người rồi mới lo việc sắp xếp, cải tạo”. Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Cty Cổ phần BĐS Toàn Cầu, cho biết, việc cải tạo có rất nhiều vướng mắc.

Điển hình như khu tập thể Văn Chương được xây từ những năm 1960, nay đã 58 tuổi, nguy cơ sụp đổ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Khó khăn lớn nhất là người dân sống trong các khu tập thể cũ vẫn quan niệm Nhà nước cần cải tạo nhà cho dân, chứ không phải là chính người dân cần cải tạo nhà ở của mình nên ở dự án nào cũng đều đòi được đền bù với hệ số 2-2,5 lần, thậm chí tới 5 lần mà cơ chế thì không có”, ông Hiệp nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ rằng, việc thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ không chỉ dựa trên cơ sở pháp lý về luật pháp, nghị định mà cần được triển khai bằng các đề án cải tạo cụ thể. “Nếu mỗi tỉnh, thành phố chủ động xây dựng đề án thì kết quả cải tạo chung cư cũng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 3% như hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thủ tướng yêu cầu xem lại tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, đơn giá giá trị của công trình đang gây nhiều bất cập cho đầu tư xây dựng. Phó Thủ tướng nêu ví dụ: “Hiện nay, đơn giá thiết kế ra giá trị gia tăng cho công trình rất lớn, nhưng Nhà nước lại trả tiền rất ít. Do vậy, mới có chuyện các bên “vẽ” ra nhiều hạng mục để hưởng lợi ích nhiều mà không quan tâm tới ý tưởng”. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan chức năng chú ý lấp các khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề như Codotel, thiết kế - xây dựng - vận hành không gian ngầm, thích ứng với hiệu quả trong quản lý mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

MỚI - NÓNG