Không để dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”

Không để dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có giải pháp gấp giúp hàng nghìn hộ dân di cư tự do (DCTD) chưa có đất, làm thuê; giải quyết các công trình cấp thiết, không để dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Các địa phương quản lý chặt số lượng dân đi và đến, tránh tình trạng “đi không biết, đến không hay”.

Tại hội nghị về di dân tự do và bố trí dân cư vùng Tây Bắc và Tây Nguyên hôm qua 13/8, Bộ NN&PTNT cho biết: Từ năm 1976 đến đầu năm 2014, gần 190 nghìn hộ (hơn 937 nghìn người) DCTD đến Tây Nguyên từ nhiều địa phương trong cả nước, trong đó khu vực Tây Bắc khoảng 50 nghìn hộ (chủ yếu giai đoạn cuối những năm 1970 đến những năm 1990). 


Sau đó, tình trạng DCTD đã giảm dần. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm trên dưới 2.000 hộ DCTD, đến năm 2013 còn chưa đến 700 hộ, và trong quý 1/2014 còn 48 hộ. Như vậy, số dân DCTD vào Tây Nguyên đến năm 2013 đã giảm mạnh tới trên 80%. 

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, qua theo dõi, thời điểm đồng bào di cư là trước và sau Tết. Khoảng tháng 3-4, “mùa con ong đi làm mật” là thời điểm bà con gieo hạt, trước mùa mưa đến. 

Theo ông, tình trạng di cư đang có xu hướng giảm, nhưng xuất hiện DCTD nội vùng ở Tây Bắc. Ở Tây Nguyên, có việc dân mới đến, nhưng là người có tiền, họ thu gom, mua đất của dân. Ngoài ra, ở Tây Nguyên còn trên 23.500 hộ dân chưa được bố trí ổn định, trong đó trên 9.500 hộ đang sống phân tán, chưa ổn định nơi ăn chốn ở, sản xuất…

Theo ông Phát, cần có giải pháp ổn định cho dân nơi đi, còn đồng bào nơi đến cũng nên ổn định tại chỗ. “Những nơi dân đến, phải quản lý tốt hơn về đất, rừng. Tại sao hàng trăm người đến chiếm đất, chiếm rừng, nhưng các đồng chí địa phương bảo không biết gì” - ông Phát nói. 

Hiện dân DCTD nhảy vào đất rừng, các nông lâm trường chiếm tới 70%. Bộ trưởng NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cần dành một phần kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới để giải quyết những vấn đề cơ bản trong DCTD. Còn trong năm nay, cần gấp khoảng 500 tỷ đồng để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng DCTD đã có chuyển biến tích cực, khi số liệu di cư giảm dần qua các năm. Khoảng 87% dân di cư vào Tây Nguyên đã ổn định cuộc sống là một sự cố gắng lớn. Phó Thủ tướng cho biết, hàng nghìn hộ dân DCTD còn đi làm thuê, chưa có đất, sẽ để hệ quả về đói nghèo, thiếu học hành, phá rừng, gây bức xúc với người dân sở tại. Các địa phương quản lý chặt số lượng đi và đến, tránh tình trạng “đi không biết, đến không hay”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2014, các địa phương rà soát số dân DCTD chưa sắp xếp ổn định, để có giải pháp xử lý về đói nghèo, học hành, nhất là ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Bộ NN&PTNT rà soát kiến nghị của các địa phương, cùng các bộ, đề nghị Chính phủ giải quyết một số công trình hạ tầng cấp thiết, không để dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Trước mắt, rà soát, cấp hộ tịch cho các hộ dân, nếu chưa đủ điều kiện phải cấp thẻ KT3 với các hộ đi đến.

Đối với hộ chưa có đất sản xuất cần bố trí đất cho bà con theo quy hoạch. Bố trí dân cư đến đâu, cấp hộ khẩu, chứng minh thư cho người dân đến đó, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cuộc sống của người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nghiêm cấm thực hiện giao dịch đất đai do Nhà nước cấp cho hộ nghèo, hộ chính sách, hạn chế tối đa xây dựng các thủy điện nhỏ, làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Nông lâm trường nào kém hiệu quả cần xử lý đất để giao cho người dân địa phương canh tác, nghiêm cấm việc các nông trường “phát canh thu tô” với các hộ sống ở bìa rừng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.