Không để kiểm toán viên lợi dụng công việc vụ lợi

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm của KTNN. Ảnh Như Ý
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm của KTNN. Ảnh Như Ý
TPO - “Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN) không để kiểm toán viên, cộng tác viên KTNN có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán; hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa – nhận – môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu.

Có thể tổ chức những phiên giải trình

Ngày 14/1, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm của KTNN, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước, đánh giá, xác nhận đúng đắn, trung thực, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

“Với sự nỗ lực bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, Kiểm toán Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó có việc Quốc hội đã dựa vào các kết quả kiểm toán để xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, các kế hoạch tài chính, đầu tư công ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, bà Phóng nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2019, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động, sáng tạo, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, để đảm bảo hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, kịp thời; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước; phát huy tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, cũng như của kiểm toán viên nhà nước, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ để không ngừng tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động…

“Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước không để kiểm toán viên Nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán Nhà nước có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, hoặc báo cáo sai lệch, hoặc không đầy đủ, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa – nhận – môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước.

Với trách nhiệm giám sát tối cao hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước, tới đây, Quốc hội phải tăng cường tạo điều kiện để Kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng cũng sẽ tăng cường nghe báo cáo kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, có thể sẽ có những phiên giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật”, bà Phóng chia sẻ.

 Không để kiểm toán viên lợi dụng công việc vụ lợi ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trao bằng khen cho Tổng KTNN Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý

Kiểm toán 14 bộ, 45 tỉnh thành

Báo cáo kết quả công tác năm, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết, đến ngày 31/12/2018, kết quả xử lý tài chính là 89.600 tỷ đồng (thu về NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.948 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng). Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.

Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong: Quản lý hoàn thuế GTGT, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; thực hiện hợp đồng BT, BOT; cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA...

Đặc biệt năm 2018, KTNN Việt Nam vinh dự được lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai Đại hội ASOSAI 14 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực kiểm toán công của ASOSAI với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực Châu Á.

Trong năm 2019, KTNN sẽ thực hiện 190 cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2019. Cụ thể là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 14 bộ, cơ quan trung ương và 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 12 chủ đề kiểm toán hoạt động; 30 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 42 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư dự án, công trình; 27 Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng; 12 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và 08 cuộc khối cơ quan Đảng. Như vậy, tổng số cuộc kiểm toán năm 2019 sẽ giảm 66 cuộc so với năm 2018.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và lãnh đạo KTNN đã trao tặng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng cho các tập thể và cá nhân. 

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...