Không để phí cơm dân nuôi

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Người có quyền nhắc nhở đại biểu Quốc hội chính là cử tri”
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Người có quyền nhắc nhở đại biểu Quốc hội chính là cử tri”
TP - Luôn phát biểu thẳng thắn, thậm chí gây sốc ở các kỳ họp Quốc hội, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - rất được dư luận quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Người có quyền nhắc nhở đại biểu Quốc hội chính là cử tri”
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Người có quyền nhắc nhở đại biểu Quốc hội chính là cử tri” . Ảnh: Hồng Vĩnh

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ông đã phải trăn trở rất nhiều trước khi nói lên tiếng nói của cử tri như vậy. “Mình ăn lương của dân, làm đại biểu của dân, nếu không nói lên được nguyện vọng của dân thì phí cơm dân nuôi mình”. - Ông Thuyết nói.

Chưa thể hài lòng

Công việc của một đại biểu Quốc hội khác công việc của người thầy thế nào, thưa ông?

Nói thật là ban đầu tôi không thấy thích thú với công việc ở Quốc hội. Đang ở môi trường giáo dục quen việc, lên Quốc hội lo không biết có làm được việc không. Thứ hai là ở trường vui hơn, trẻ trung hơn, chưa kể thu nhập cũng cao hơn (cười). Nhưng sau một thời gian làm việc, tôi mới thấy quả là hoạt động Quốc hội rất bổ ích. Đúng như người ta vẫn nói, Quốc hội là một trường đại học lớn.

Người dân, thậm chí đại biểu Quốc hội ở ta thường tự bó mình, không sử dụng đầy đủ quyền mà pháp luật giao cho.

Tuy nhiên, cũng phải nói thật là làm việc ở Quốc hội đau đầu hơn. Làm việc trong Quốc hội, tiếp xúc với nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo, tôi thấy khá nhiều mặt trái và cũng buồn vì thấy mình không giúp giải quyết được bao nhiêu.

Ông tự thấy những gì ông làm được đã xứng đáng với niềm mong mỏi của cử tri chưa?

Tôi là ĐBQH chuyên trách, vì thế không làm gì khác ngoài nhiệm vụ ở QH. Tôi luôn tự răn mình: Mình ăn lương của dân, làm đại biểu của dân, nếu không cố gắng thì phí cơm dân nuôi mình.

Tuy nhiên, những gì đã làm được so với kỳ vọng của cử tri khó có thể nói là đáng hài lòng được.

Quan trọng nhất: nhạy cảm

Thưa ông, điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn và trăn trở nhất kể từ khi trở thành đại biểu Quốc hội?

Trăn trở thì nhiều lắm. Nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân, tôi đã lên tiếng nhưng chưa thuyết phục được các cơ quan chức năng. Nhưng tôi biết rằng mình cũng chỉ là một tiếng nói trong QH thôi. Mình có lý của mình, người khác cũng có lý của họ.

Một vấn đề cũng làm tôi trăn trở rất nhiều là giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính chậm tiến bộ quá. Từ đó dẫn tới khó khăn của người dân trong việc tiếp xúc với chính quyền. Quả là người dân nước mình còn bị hành nhiều quá. Gia đình mẹ vợ tôi nộp đơn xin sổ đỏ 12 năm không được cấp mà không hiểu lý do gì.

Khi tôi phản ánh, một đồng chí lãnh đạo thành phố “quạt” cấp dưới một trận thì việc được giải quyết chỉ trong 2 - 3 ngày. Điều đó chứng tỏ là khi lãnh đạo chưa gõ vào đầu thì bộ máy chưa làm việc. Nhưng họ cũng chỉ sợ cấp trên trực tiếp thôi. Lãnh đạo các bộ không ăn thua gì với họ. Tôi biết một thứ trưởng Bộ TN&MT làm sổ đỏ cho nhà mình hết sức khó khăn. Đến bộ trưởng muốn làm sổ đỏ cũng phải lót tay 3 triệu đồng mới xong.

Là đại biểu nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, nói được tâm tư nguyện vọng của cử tri cả nước, ông có phải mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi phát biểu?

Ngay từ khi được bầu vào Quốc hội khoá XI, tôi đã xác định là mình phải luôn mạnh dạn nói lên ý kiến của dân. Những điều tôi phát biểu đều là những vấn đề tôi tìm hiểu, trăn trở, ngẫm nghĩ từ lâu. Cho nên để trình bày với Quốc hội, tôi thường chuẩn bị rất nhanh, có khi ngay trong buổi họp, chứ không mất nhiều thời gian lắm.

Ngoài công việc của Quốc hội, tôi còn phải tham gia nhiều công việc khác; nếu quá mất thời gian để chuẩn bị ý kiến thì tôi không còn thời gian làm gì nữa.

Ông có tham khảo ý kiến của chuyên gia?

Cũng có trường hợp tôi trực tiếp tham khảo ý kiến của chuyên gia. Ví dụ, vấn đề khai thác bôxít, tôi phải tham khảo ý kiến một số chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, tôi thường tham khảo thông tin qua các báo cáo, các tài liệu trên mạng trong nước và nước ngoài. Giữa một bể thông tin như vậy, điều quan trọng nhất là đại biểu phải nhạy cảm, tức là cảm nhận được những vấn đề quan trọng nhất đối với quyền lợi của người dân, của đất nước.

Tự bó mình

Về những kiến nghị của ông liên quan đến trách nhiệm vụ Vinashin, những đại biểu khác và các cử tri có ý kiến gì, thưa ông?

Tại hội trường, có nhiều ý kiến ủng hộ và cũng nhiều ý kiến không ủng hộ. Việc đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau là bình thường vì mỗi người có cương vị khác nhau trong bộ máy. Điều quan trọng nhất là đại biểu phải đóng đúng vai trò đại diện cho dân và phát biểu đúng ý dân; không đóng nhầm vai.

Tôi nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri qua tin nhắn, điện thoại và email cũng như qua các trang thông tin và báo điện tử. Cũng nhiều trường hợp nói chuyện trực tiếp, trong cuộc họp hoặc trên đường phố.
Ở nhiều nước, một kiến nghị như của tôi là rất bình thường. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là ý kiến, kiến nghị của đại biểu có đúng pháp luật và có vì dân, vì nước không.

Có người tỏ ý lo rằng ý kiến tôi có thể bị lợi dụng. Tôi cho rằng chuyện đổ bể của Vinashin đăng đầy trên báo, không lạ gì. Ta xuê xoa cho nhau thì mới bị lợi dụng.

Ông nói phát biểu của mình ở nước ngoài là điều bình thường, nhưng ở nước ta thì đó lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện tượng này nói lên điều gì, thưa ông?

Nó nói lên rằng người dân, thậm chí đại biểu Quốc hội ở ta thường tự trói buộc mình, không sử dụng đầy đủ quyền mà pháp luật giao cho. Tôi nghĩ đó là tự mình bó mình. Nhưng cũng phải nói rằng, một bộ phận người dân và thậm chí quan chức chính quyền ở ta chưa quen với điều đó.

Xin cảm ơn ông!

Hải Hà
Thực hiện

MỚI - NÓNG