Không để quy hoạch ảnh hưởng dòng chảy kinh tế - xã hội

Tại Quảng Yên, Quảng Ninh, khu công nghiệp không thể triển khai được vì vướng quy hoạch
Tại Quảng Yên, Quảng Ninh, khu công nghiệp không thể triển khai được vì vướng quy hoạch
TP - Chủ trì Hội nghị triển khai Luật Quy hoạch sáng 15/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao nên khó triển khai. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện nghiêm các quy định của luật nhưng vẫn đảm bảo dòng chảy liên tục của quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Nhiều dự án bị tắc 

Một trong những vướng mắc lớn nhất được các bộ, ngành, địa phương phản ánh tại hội nghị là quy định chỉ được điều chỉnh kéo dài thời hạn quy hoạch trong trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch, nhất là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng, khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt thì tất cả quy hoạch dự kiến được tích hợp sẽ phải giữ nguyên, không được điều chỉnh. Vì vậy các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc bổ sung các dự án cấp bách. Ông Thắng dẫn chứng tại Quảng Ninh, năm 2018, Thủ tướng đã cho phép bổ sung vào quy hoạch và thành lập khu kinh tế Quảng Yên, bổ sung một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi đang triển khai thì Luật Quy hoạch mới có hiệu lực nên bị vướng chưa thể triển khai tiếp. “Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư, đặc biệt ở khu kinh tế Quảng Yên, khi triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư cũng đang tìm cách kéo dài thời gian để chờ ứng xử của chính quyền”, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng phản ánh việc có đến 369 dự án thuộc ngành điện bị “tắc” vì vướng Luật Quy hoạch, trong đó có nhiều dự án mang tính cấp bách. “Các tỉnh gặp Bộ Công Thương liên tục hỏi bao giờ được điều chỉnh nhưng không trả lời được. Nếu tới đây cho phép điều chỉnh thì mới tháo gỡ được việc này”, ông An phản ánh.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương được tiếp tục thực hiện những nội dung đã có trong quy hoạch. Khi nào có quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt sẽ tiến hành bãi bỏ các quy hoạch cũ. 

Bảo đảm dòng chảy liên tục 

Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao nên khó triển khai. “Làm gì cũng phải theo quy hoạch, không có thì tắc hết, rất ảnh hưởng đến phát triển”, Phó Thủ tướng lưu ý. Ông Dũng cũng đưa ra so sánh ở các nước tư bản có quy hoạch rất chi tiết, ví dụ quy định số lượng xe taxi mỗi năm, số cửa hàng ăn trên mỗi tuyến phố… để không dư thừa các sản phẩm xã hội.

“Nhà nước phải làm được như thế. Nhưng quản lý thế nào là vô cùng khó. Ở ta thị trường nhiều lúc phát triển theo phong trào, tự phát dẫn đến ồ ạt, cung vượt cầu”, ông Trịnh Đình Dũng nói.

Về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vướng mắc rất lớn. Làm sao để điều chỉnh cục bộ khi các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực, trong khi Luật Quy hoạch mới yêu cầu phải thực hiện theo đúng trình tự, 5 năm mới được điều chỉnh 1 lần. Do đó, chưa bao quát hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ. 

Phó Thủ tướng yêu cầu không để do quy hoạch gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để đảm bảo dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua. 

MỚI - NÓNG