Không để sân golf xóa sổ trại bò giống duy nhất tại VN

Không để sân golf xóa sổ trại bò giống duy nhất tại VN
TPO - Mở đầu phiên chất vấn ngày hôm nay 11/6, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết năm 2009 sẽ giải quyết được 1,45 triệu việc làm mới, còn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết sẽ không để việc xây sân golf xóa sổ trại bò giống quốc gia.
Không để sân golf xóa sổ trại bò giống duy nhất tại VN ảnh 1 Không để sân golf xóa sổ trại bò giống duy nhất tại VN ảnh 2
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát . Ảnh : Hồng Vĩnh Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân

Năm 2009 chỉ giải quyết được 1,45 triệu việc làm mới

Đăng đàn đầu tiên mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đối mặt với hàng loạt vấn đề nóng như: Việc hỗ trợ tiền tết cho người nghèo, giải quyết chế độ cho người có công, vấn đề lao động và việc làm trong điều kiện suy thoái kinh tế, lao động nông thôn, sinh viên khó tìm được việc làm sau khi ra trường, lao động trẻ em, lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn và lao động nước ngoài tại Việt Nam.

“Phát pháo” mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Võ Thị Thủy (Bình Định) đặt câu hỏi về việc thời gian qua lao động nước ngoài vào Việt Nam nhiều trong khi lao động trong nước đang bị mất việc làm. Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đặt tiếp câu hỏi về bất cập trong việc hỗ trợ người tàn tật đang thấp hơn so với mức hỗ trợ của người nghèo và biện pháp giải quyết bất cập này.

Nghiêng về vấn đề việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) xoáy vào việc Bộ LĐ, TB&XH giải quyết và điều chỉnh chỉ tiêu về việc làm như thế nào trong tình hình hiện nay.

Trả lời các câu hỏi của ba đại biểu, Bộ trưởng Ngân cho rằng trong điều kiện mở cửa kinh tế, quốc tế thì việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc và thu nhận nước ngoài vào Việt Nam làm việc là việc có thực. Tuy nhiên Việt Nam không thu nhận lao động phổ thông mà chỉ thu nhận lao động có tay nghề, chất lượng.

Thống kê thời gian qua cho thấy có hơn 50 phần trăm lao động vào Việt Nam là không có phép với nhiều hình thức như thăm thân, du lịch... “Về giải pháp Bộ LĐ, TB&XH đã có báo cáo, đề xuất với Chính phủ trong việc phải hợp tác đàm phán song phương với các nước. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này chỉ trong 1 tuần, 1 tháng. Với những lao động vào Việt Nam không đủ điều kiện, không có giấy phép thì chúng ta tuyên truyền và hướng dẫn cho người ta, đồng thời không gia hạn visa cho lao động này nữa. Còn nếu lao động chưa có giấy phép do vướng mắc nào đó thì thuộc trách nhiệm của chúng ta”- Bà Ngân cho biết.

Liên quan đến những số liệu mất việc làm không thống nhất nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự mâu thuẫn về các con số do các chuyên gia đưa ra, người đứng đầu Bộ LĐ, TB&XH cho biết các số liệu của Tổng cục Thống kê, của cơ quan quản lý lao động đưa ra là các số liệu rất thống nhất. Còn các số liệu dẫn từ các chuyên gia đưa ra từ các hội thảo khoa học chỉ là con số có tính dự báo.

Bà cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ cải tiến, tăng cường hơn nữa chất lượng dự báo về việc làm. Việc tăng cường khả năng báo cáo của các địa phương, của các tổ chức trong thời gian tới sẽ được thực hiện tốt hơn.

“Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về việc làm, chúng tôi nhận trách nhiệm về việc này để sau này các số liệu đưa ra chính xác và cao hơn. Với mức tăng trưởng dự kiến 5,5% thì chỉ tiêu về việc làm chỉ vào khoảng 1,45 triệu lao động là cao rồi không thể đạt được mức 1,7 triệu việc làm”- Bộ trưởng Ngân cho biết.

Chưa đồng tình với câu trả lời của người đứng đầu Bộ LĐ, TB&XH, đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề có 11 triệu lao động làm việc thường xuyên và không thường xuyên nhưng theo thống kê của Bộ trong quý I/2009 chỉ có 30.000 lao động mất việc thì con số trên có đúng với tình hình?

Giải đáp thắc mắc trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể có chuyện số liệu mất việc làm cách đây 5 tháng lại giống như con số đưa ra hiện nay. Số liệu của Bộ đưa ra là thường xuyên được cập nhập nên có sự thay đổi trong các con số cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên việc thống kê cũng gặp một số khó khăn do trong 63 tỉnh thành chỉ có 48 địa phương có báo cáo nhưng cũng chưa thật đầy đủ. Theo đánh giá đa số đồng bào làm nông nghiệp thì không bị ảnh hưởng nhiều của mất việc làm. Theo thống kê lao động trong quý I ở các làng nghề, số mất việc là 30.000 người trong đó lao động nữ bị mất việc chiếm 59%. Nhưng những người mất việc này chủ yếu là lao động nông thôn tham gia làm việc thêm tại các làng nghề sau vụ mùa chính để cải thiện thu nhập.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) đề nghị giải trình về việc số tiền 30.000 tỉ đồng dành cho đào tạo nghề sẽ được thực hiện thế nào và đề nghị không xé lẻ số tiền này ra mà tập trung vào đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, cho lao động chuẩn bị đi làm ở nước ngoài.

Cung cấp con số khá chi tiết để giải thích, bà Ngân cho rằng đề án có 3 thành phần trong đó có dạy nghề cho nông dân sản xuất theo hướng hiện đại và dạy nghề để cho nông dân chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác. Đề án đào tạo nghề ban đầu là 8.000 tỉ đồng và khái toán lên 32.000 tỉ đồng nhưng là thực hiện trong 12 năm. Nếu tính chi tiết thì số tiền này là quá rẻ để đào tạo nghề cho hàng triệu thanh niên ở nông thôn

Liên quan đến các câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) về chính sách với cán bộ tiền khởi nghĩa, Bộ trưởng Ngân cho biết chính sách do Ban tổ chức T.Ư xây dựng và Bộ LĐ không phải là cơ quan xây dựng chính sách cho các đối tượng này. Dự kiến những người từ trước đến nay chưa nhận được chính sách thì sẽ được nhận bù, những người đã mất cũng sẽ được truy lĩnh.

“Về vấn đề chất độc hóa học/dioxin tôi đã hứa trước Quốc hội sẽ xem xét và giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Chúng tôi sẽ sớm đưa những người từng được nhận trợ cấp nhưng trong thời gian qua phải tạm ngừng để tiến hành rà soát lại theo chỉ đạo của Chính phủ quay trở lại được nhận trợ cấp”- Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH nói.

Bà cũng cho biết năm nay để chuẩn bị cho điều chỉnh chuẩn nghèo mới, Bộ đã chỉ đạo sớm rà soát nhưng địa phương cũng phải vào cuộc. Bộ LĐ, TB&XH không thể đi được hết tất cả 64 địa phương để kiểm tra và rà soát. Đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát đối với chính sách cho người nghèo.

Khá tâm tư trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Vân Yến (Hưng Yên) về việc một số địa phương chưa giải ngân tiền hỗ trợ học nghề và tâm lý không muốn học nghề của nhiều người, Bộ trưởng Ngân cho rằng đây là điều bà rất trăn trở. Đa phần từ trước đến nay tâm lý của người dân Việt Nam là đều muốn con em vào học đại học, học những nghề danh giá. 

Còn về hiện tượng người thất nghiệp nhiều nhưng ở một số khu công nghiệp dù treo bảng nhưng vẫn không tuyển dụng được lao động, đại diện Bộ LĐ cho rằng có một số yếu tố. Ví dụ với nghề điện trong khu công nghiệp thì phải tuyển được người biết về điện công nghiệp, với nghề may phải biết may công nghiệp. Lương thấp trong khi chi phí cao cũng là yếu tố khiến việc tuyển dụng lao động khó khăn.

Bộ LĐ, TB&XH chịu trách nhiệm về quản lý lao động

Tỏ rõ quan điểm không hài lòng với các câu trả lời, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) truy vấn những vấn đề mà Bộ trưởng LĐ, TB&XH đã từng “hẹn” với đại biểu và với nhân dân cả nước.

Ông Minh xoáy sâu vào việc vì sao Bộ LĐ, TB&XH trả lời thương binh, bệnh binh mất sức không được hưởng hai chế độ. “Cách đây 2 – 3 nhiệm kỳ đã nhắc vấn đề này. Giải thích như vậy tôi thấy thất vọng quá. Ba đại biểu nói 2 – 3 phút nhưng Bộ trưởng giải trình tới 20 phút, nặng về giải trình nhiều quá” – Ông Minh nói.

Bình tĩnh trước câu hỏi khó này, Bộ trưởng Ngân cho biết việc công nhận người được hưởng hai chế độ do vướng quy định của pháp luật. “Chúng tôi rất có trách nhiệm nhưng khi nghiên cứu thì bị vướng quy định của pháp luật”- Bà lý giải.

Trước câu hỏi liên quan đến việc quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng LĐ,TB&XH khẳng định không có đùn đẩy cho bộ ngành nào cả nhưng về quản lý xuất nhập cảnh là bộ công an, quản lý doanh nghiệp trên địa bàn là UBND cấp tỉnh, quản lý về an ninh trật tự trên địa bàn là của công an. “Tôi khẳng định tôi chịu trách nhiệm với Chính phủ về quản lý lao động. Vì vậy đề nghị cả 3 bộ cùng phối hợp giải quyết vấn đề”- Bộ trưởng Ngân nói.

Câu trả lời này kết thúc phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH.

Can thiệp không để xóa sổ trại bò giống

Tiếp sau phần chất vấn Bộ trưởng LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ NN&NNPT Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã  nhận được 22 chất vấn với 32 câu hỏi của các đại biểu tập trung vào những nội dung chính: Thực hiện kích cầu trong nông nghiệp nông thôn, phòng chống dịch bệnh, phát triển thủy lợi.

Trước những câu hỏi trực tiếp vào các vấn đề nóng như hạt giống, thuốc, phân bón giả bán với giá thành cao trên thị trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp và trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận có việc giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam so với một số nước còn thấp. Chúng ta có một số loại nông sản không có thế cạnh tranh, mức sản xuất trong nước thấp nên vẫn phải nhập khẩu bông, đỗ tương, thuốc lá, sữa và một số loại nông sản khác. Những yếu tố này một phần do vấn đề con người.

Trước phần giải thích khá dài của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải “nhắc” cần tập trung trả lời trực tiếp vào câu hỏi của các đại biểu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm hiện vẫn còn nhiều yếu kém. Trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết vấn để hiệu quả và chặt chẽ hơn. “Trong 336.000 tỉ đồng đã được giải ngân thông qua các biện pháp kích cầu có 18% (gần 60.000 tỉ) đã trực tiếp đến tay nông dân. Riêng năm 2009 có 42.000 tỉ đồng đầu tư trong nông nghiệp, cao hơn gần 90% so với năm 2008”- Ông Phát nói.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về vấn đề các bệnh đạo ôn, bệnh vàng lùn xoắn lá, lệnh cấm vịt chạy đồng và quan điểm của Bộ NN&PTNT trước việc trại giống bò duy nhất của Việt Nam hiện đang có nguy cơ bị xóa sổ vì lấy đất xây sân golf, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết đã xóa lệnh cấm vịt chạy đồng sau khi việc tiêm phòng vaccine đã có hiệu quả.

“Về việc lấy đất sân golf có nguy cơ xóa sổ trại bò giống Moncada thì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch đất lúa đến năm 2020. Đây là trung tâm duy nhất sản xuất tinh đông viên cho đàn bò và được Chính phủ Cu Ba giúp xây dựng từ hơn 30 năm nay. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị với Hà Nội duy trì trại giống này”- Ông nói.

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ được tiếp tục trong buổi chiều ngày hôm nay. Sau đó là phần chất vấn dành cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Trong các ngày từ 11/6 đến 13/6, 7 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội gồm: Bộ trưởng LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng sẽ là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn vào sáng 13/6.

Phát biểu trước phiên chất vấn sáng nay, 11/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết tính đến chiều 10/6, Quốc hội đã nhận được 235 câu hỏi chất vấn của 118 đại biểu thuộc 46 đoàn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG