Không đi bộ, thì sao?

Ảnh nguồn Internet
Ảnh nguồn Internet
TP - Mới rồi, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo quy chế quản lý hoạt động và nội quy quản lý hoạt động tại không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận. Đây là một việc làm cần thiết giúp tháo gỡ những bức xúc trong dư luận. 

Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân tổ chức, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật… trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. 

Vấn đề đặt ra: Với các cá nhân muốn cấp phép biểu diễn ở Hồ Gươm thì sao? Đây chắc chắn là một câu chuyện “đau đầu”. Có bài báo khẳng định: “Hà Nội không cấp phép cho cá nhân biểu diễn ở Hồ Gươm” kèm theo ý kiến một vị đại biểu của Sở Văn hóa Hà Nội: “Thực tế vừa rồi chúng tôi tiếp rất nhiều gia đình các em nhỏ, các nhóm nhạc tự phát đến liên hệ xin cấp phép biểu diễn, chúng tôi có trả lời xin phép phải có tổ chức pháp nhân, còn xin cho cá nhân thì không cấp phép”.

Một bộ phận dư luận ủng hộ quan điểm không nên cấp phép biểu diễn trên diện rộng: “Cứ biết tí nhạc nhẽo mà nhảy xuống phố làm rộn lên thì loạn. Nay mấy cháu đánh đàn, mai mấy cô chơi kèn, đánh trống…

Mà nhóm nào nhân danh vì nghệ thuật cả”. Cũng có người lo ngại, nếu không siết chặt quy định, để biểu diễn tự do thì xu hướng “sao tự phong” sẽ bùng phát trong xã hội, biến phố đi bộ thành “chợ sao tự phong”.

Nhưng có độc giả thắc mắc: “Cá nhân xin cấp phép thì khác gì tổ chức pháp nhân xin cấp phép?”. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên từng có thái độ về vấn đề này: “Ở nước ngoài, thậm chí cả bố mẹ và các con cùng kéo nhau ra đường phố biểu diễn rồi cầm mũ xin tiền, mọi người vẫn rất vui vẻ rút ví ra tặng tiền. Nếu xem đó là một nghề thì đúng là nghề có thu nhập chính đáng. Nếu người ta chơi hay, chơi tâm huyết, có tài hẳn hoi… thì khuyến khích người ta là chuyện nên làm”. Theo ông, nên ủng hộ những người trẻ có nhu cầu cọ xát thực tiễn để trau dồi tài năng, bản lĩnh nghệ thuật. Cũng nên động viên những đứa trẻ dám ra nơi công cộng biểu diễn âm nhạc. Quan trọng vẫn là, chất lượng của hoạt động biểu diễn đó ra sao, gây ầm ĩ, mất mỹ quan hay tạo thêm một món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng?

Hà Nội đang vào “mùa” đi bộ. Tháng 10,  phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa. Nghe nói, sẽ có cả không gian nhạc Trịnh tại sân khấu ngoài trời. Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng đã rậm rịch xây dựng tuyến phố đi bộ (phố Nguyễn Quý Đức)  kết hợp thương mại, dịch vụ đêm. Tình hình này có khi lại kích thích sự ra đời  “bầu sô” nghệ thuật của không gian đi bộ?

Từ chuyện cấp phép biểu diễn ở không gian đi bộ nhiều người đặt câu hỏi: Thế không gian không đi bộ thì sao? Các cơ quan chức năng làm gì khi ngoài đường, ngoài phố không thiếu những người hát rong, người bán kẹo kéo, bán… thuốc diệt chuột, vừa đi vừa kéo theo hệ thống loa đài ầm ĩ, ồn ào mất trật tự, xáo trộn về giao thông? Họ có cần cấp phép không?

MỚI - NÓNG