Không ‘đi giữa’ cả những vấn đề nhạy cảm nhất

Không ‘đi giữa’ cả những vấn đề nhạy cảm nhất
TP – “Trong những vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất, chúng ta đều có lập trường rõ ràng. Số phiếu trắng của chúng ta thuộc loại ít nhất ở Liên Hợp Quốc. Thật sai khi nói chúng ta hay ‘đi giữa’”.

Đại sứ Lê Lương Minh, Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định.

“Ngày 16/10/2007, với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (183/190), nước ta  đã chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008 - 2009, bắt đầu từ 1/1/2008.

Việt Nam sẽ có một ghế bên chiếc bàn tròn, cùng 14 quốc gia khác bàn thảo, giải quyết những vấn đề nóng bỏng, những cuộc khủng hoảng trên thế giới để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế” - Đại sứ Lê Lương Minh mở đầu cuộc trò chuyện với Tiền phong như vậy.

Đại sứ nói: Nhờ đâu chúng ta đạt được số phiếu cao như vậy trong khi không phải tất cả những nước ủng hộ Việt Nam đều có cùng quan điểm, lập trường với Việt Nam về mọi vấn đề thuộc trách nhiệm xử lý của HĐBA, đặc biệt những vấn đề có độ nhạy cảm cao?

Có nhiều lý do, nhưng tôi muốn nhấn mạnh: Những nước cơ bản có cùng quan điểm với Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, xã hội..., nhìn nhận nước ta có chính sách đối ngoại nhất quán; họ nhìn thấy trong chính sách nhất quán ấy tính nguyên tắc và sự thủy chung.

Những nước không cùng chung quan điểm, thậm chí là không cùng chung lợi ích với ta trong nhiều vấn đề, tìm thấy trong chính sách đó tinh thần trách nhiệm, xây dựng trong việc xử lý các công việc quốc tế, tư tưởng đổi mới và sự minh bạch.

Đánh giá nguyên nhân ta được nhóm các quốc gia châu Á nhất trí giới thiệu là ứng cử viên duy nhất của Nhóm, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc ta trúng cử ngay vòng đầu với số phiếu rất cao vừa qua, tôi đã nhấn mạnh yếu tố niềm tin.

Các nước tin rằng một dân tộc đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc, đã phải hy sinh to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, một dân tộc biết vượt qua hận thù để nay có quan hệ tốt, trở thành đối tác tin cậy của mọi thành viên của cộng đồng quốc tế phấn đấu cho những lý tưởng cao đẹp, một dân tộc biết vượt qua chính bản thân để hội nhập, phát triển.

Nay với một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, luôn ở mức 7-8% năm, dân tộc ấy chắc chắn khao khát, có khả năng và xứng đáng được tạo cơ hội đóng góp cho công việc của cơ quan quyền uy nhất của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu họ đã “chọn mặt” Việt Nam để “gửi vàng”.

Vượt qua thách thức sẽ trưởng thành

Được biết theo cơ chế luân phiên, vào tháng 7/2008 Việt Nam sẽ làm Chủ tịch HĐBA LHQ, thưa Đại sứ?

Theo quy định, các nước thành viên hàng tháng luân phiên làm Chủ tịch HĐBA. Ta sẽ làm Chủ tịch tháng 7/2008. Ngoài việc điều hành HĐBA nói chung, chủ trì các cuộc tham vấn, thương lượng, Chủ tịch tháng 7 có nhiệm vụ khá lớn là chuẩn bị nội dung báo cáo của HĐBA lên Đại hội đồng LHQ về công việc của HĐBA trong cả năm.

Ta có thể làm Chủ tịch lần thứ hai (phụ thuộc vào chữ cái đầu của tên các nước trúng cử nhệm kỳ 2009 - 2010) vào tháng 10/2009. Ngoài ra, HĐBA có nhiều Ủy ban và các nhóm làm việc với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau, đa dạng. Đại sứ ta sẽ được phân công làm Chủ tịch ít nhất một Ủy ban và Phó Chủ tịch hai hoặc ba Ủy ban khác. HĐBA còn đang tham vấn về việc phân công này.

Đại sứ nhận định thế nào về những công việc tại HĐBA trong thời gian tới?

Mấy năm qua công việc của HĐBA tăng lên gấp bội. Chúng ta bắt đầu tham gia HĐBA đúng vào thời điểm công việc của Hội đồng bận rộn nhất với một loạt vấn đề nổi lên như vấn đề quy chế của tỉnh Cô-xô-vô thuộc Séc-bi-a, vấn đề hạt nhân của I-ran vốn đang gây nhiều tranh cãi, các vấn đề liên quan đến Xu-đăng, trong đó có vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp Liên minh châu Phi - LHQ ở Đa - phua, vấn đề Xô-ma-li đang nóng trở lại, các vấn đề ở châu Á của chúng ta, kể cả vấn đề Mi-an-ma đang có bất đồng về quan điểm giải quyết.

Thái độ của chúng ta đối với từng vấn đề còn tuỳ thuộc vào diễn biến tình hình sắp tới, song phương châm cơ bản của ta là ủng hộ và thúc đẩy giải quyết xung đột, tranh chấp thông qua đối thoại, đàm phán hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết của các dân tộc.

Nhiều thách thức chờ đợi, song đó là những thách thức chúng ta đã lường trước và sẵn sàng tham gia xử lý. Vượt qua thách thức chúng ta sẽ trưởng thành, khẳng định được vị trí của ngoại giao đa phương Việt Nam, của đất nước ta kiên định, đang từng ngày đổi mới.

Số phiếu trắng ít nhất

Thưa ông, phải chăng khi tham gia vào HĐBA chúng ta sẽ phải có sự đột phá trong chính sách đối ngoại, nhất là khi ở HĐBA có những vấn đề mà nước thành viên phải thể rõ quan điểm “có hay không”?

Chúng ta đã được bầu vào HĐBA với số phiếu cao tuyệt đối, phản ánh sự nhìn nhận tích cực của các nước đối với chính sách đối ngoại của ta. Đó là chính sách đối ngoại vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; chính sách đối ngoại có tính nhất quán và tính minh bạch cao; chính sách đối ngoại đã được thử thách, kiểm nghiệm qua nhiều thập kỷ và đang phát huy tác dụng tốt hỗ trợ đắc lực cho công cuộc hội nhập của đất nước.

Vào hay không vào HĐBA, chúng ta cũng sẽ kiên định chính sách đối ngoại đúng đắn này. Không có nước nào vận động tham gia một cơ chế để phải thay đổi chính sách đối ngoại khi nó đang phù hợp.

Trong những vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất, chúng ta đều có lập trường rõ ràng. Số phiếu trắng của chúng ta thuộc loại ít nhất ở LHQ. Thật sai khi nói chúng ta hay “đi giữa”.

Được biết, “trật tự” tại HĐBA gần như sẽ được quyết định bởi 5 thành viên thường trực: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, vì sẽ không có bất cứ một nghị quyết nào được thông qua nếu như 1 trong 5 thành viên này phủ quyết.

Tuy nhiên, các nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu, nên các nước lớn vẫn phải thường xuyên “lôi kéo” các thành viên không thường trực ủng hộ các vấn đề của mình. Vì vậy số phận của nhiều quốc gia là thành viên không thường trực đã thay đổi do đàm phán tốt trong những tình huống như thế, thưa Đại sứ?

Việc còn tồn tại quyền phủ quyết trong cơ chế ra quyết định của HĐBA là một điều đáng tiếc. Trong lập trường về cải tổ HĐBA, chúng ta chủ trương tiến tới xoá bỏ quyền này.

Về xử lý sự bất đồng với các nước lớn trong từng vấn đề cụ thể, ở đây có sự khác biệt giữa cách nhìn nhận lợi ích vĩ mô và vi mô, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa nhãn quan và sự thiển cận trong cách nhìn nhận mối quan hệ giữa an ninh quốc gia với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Ở trên tôi đã đề cập đến tính nhất quán, tính nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của ta, đức thủy chung của dân tộc Việt Nam. Chúng ta coi trọng uy tín trong quan hệ quốc tế.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Trong số những nghị quyết của HĐBA, có những nghị quyết liên quan đến việc trừng phạt một nước cụ thể nào đó, chúng ta sẽ ứng xử với vấn đề này như thế nào?

Trừng phạt là một biện pháp nằm trong Hiến chương LHQ, như vậy không phải trừng phạt, cấm vận nào cũng là bất hợp pháp, không phải bất cứ biện pháp trừng phạt nào của LHQ chúng ta cũng không ủng hộ.

Trong lịch sử, đã có những biện pháp trừng phạt của LHQ có hiệu quả, buộc các chế độ độc tài, phản dân chủ phải thay đổi, thậm chí sụp đổ. Nhưng một thực tế khách quan là trong nhiều thập kỷ qua, có những biện pháp trừng phạt mang tính áp đặt, không hợp lý hoặc không cần thiết và trên thực tế chỉ gây khó khăn, đau khổ cho dân thường, nhất là phụ nữ, trẻ em nhiều nước.

Đây là những biện pháp trừng phạt chúng ta không chủ trương ủng hộ và sẽ đấu tranh để gạt bỏ.

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG