Dự thảo luật tổ chức chính quyền địa phương:

Không đổi mới, khó tinh giản biên chế

Báo cáo của UB TVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại hội nghị khẳng định: Phương án một chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Báo cáo của UB TVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại hội nghị khẳng định: Phương án một chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
TP - Thảo luận về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 16/4, một số đại biểu cảnh báo: Nếu vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện hành, không đổi mới thì khó nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, nâng lương và chống nhũng nhiễu.

Giữ HĐND để kiểm soát quyền lực

Theo báo cáo của ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH), hiện đang có hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Nếu thực hiện theo phương án một thì cơ bản mô hình tổ chức vẫn giữ như hiện hành, tức là có ba cấp từ tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã) đến xã (phường) và đều tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) để bảo đảm giám sát, kiểm soát quyền lực.

“Phương án này có hạn chế là chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI; không thấy được sự khác biệt về mô hình tổ chức giữa các đơn vị hành chính có đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Đối với phương án hai, cơ bản giống phương án một nhưng mở thêm hướng là ở các phường, do đặc điểm đô thị nên sẽ không tổ chức cấp chính quyền địa phương, mà chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân (UBND) để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Theo đó, Chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức... Tuy nhiên, UB TVQH cho rằng, nếu thực hiện dễ dẫn đến tình trạng chính quyền xa dân, quan liêu. Do đó, UB TVQH đề nghị lựa chọn theo phương án một là phù hợp.

Hầu hết đại biểu Quốc hội và đại diện HĐND ở các địa phương đều đồng tình với sự lựa chọn của UB TVQH với lý do phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm có sự giám sát về quyền lực.

“Tôi thấy chúng ta cứ nói rằng việc bỏ HĐND là đổi mới. Nhưng thực tế đổi mới của chúng ta có nhiều cái, nhiều việc lạ lắm, cứ làm khác đi một chút đã được coi là đổi mới. Nhưng sau thơi gian thực hiện, thấy không ổn lại đổi mới tiếp, cuối cùng rồi lại quay trở về như cũ. Thế mà vẫn coi đó là thành tích đổi mới”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói.

Ông Phương phản đối các lập luận rằng bỏ HĐND vì hoạt động quá hình thức. “Thực tế HĐND hiện nay không có chuyên trách mà toàn làm việc kiêm nhiệm nên không hình thức sao được. Muốn HĐND mạnh lên, hoạt động thực chất hơn thì hãy tăng lực lượng chuyên trách lên”, ông Phương kiến nghị.

Khó nâng lương, giảm biên chế

Là một trong số ít đại biểu không đồng tình với lựa chọn trên, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng: Nếu không đổi mới về mô hình tổ chức trong dự thảo luật lần này thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội đổi mới. “Tôi cho rằng cần phải đổi mới. Vì mô hình hiện hành đang tồn tại quá nhiều bất cập, hạn chế. Hơn nữa trong Hiến pháp đã có độ mở khi cho phép cấp chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo”, ông Lai nêu ý kiến.

“Tổ chức quản lý của quận Ba Đình (Hà Nội) không thể giống như huyện Mường Tè (Lai Châu) được”

ĐBQH Trần Du Lịch

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thẳng thắn bày tỏ: “Tổ chức quản lý của quận Ba Đình (Hà Nội) không thể giống như huyện Mường Tè (Lai Châu) được. Nếu chúng ta không đổi mới thì không bao giờ chúng ta có thể nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, nâng lương, giúp công chức sống được bằng lương và chống được tình trạng nhũng nhiễu. Do đó, cần tìm giới hạn mà sự thay đổi, xáo trộn hệ thống không gây nguy hại cho hệ thống chính trị”, ông Lịch nói.

Ông Lịch đề nghị mạnh dạn tiến tới tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp hoàn chỉnh: cấp tỉnh và cấp cơ sở. “Như vậy sẽ không có xáo trộn gì hết và không ảnh hưởng đến hệ thống chính trị. Hiến pháp đã mở cửa mà chúng ta “bịt” luôn lại thì sẽ làm hỏng luật này”.

Tán thành với ông Lịch, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, hơn một năm tỉnh đã tiến hành rà soát bộ máy và các tổ chức thì thấy rất chồng chéo, trùng lắp. Điều này khiến cho số lượng người hưởng lương ngân sách ngày càng tăng, trong khi bộ máy trì trệ, kém hiệu lực, kém hiệu quả. Bà Hoàng đề nghị nên thực hiện theo phương án hai, tức là cho phép bầu cử trực tiếp chủ tịch phường và đổi mới hoạt động của bộ máy, các cơ quan đoàn thể.

MỚI - NÓNG