Không đội mũ bảo hiểm ban đêm cũng bị phạt

Không đội mũ bảo hiểm ban đêm cũng bị phạt
TP - Theo thượng tá Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT (CA TP Hà Nội), từ 15/12, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 150.000đ/lần vi phạm. CSGT cũng sẽ tuần tra và xử lý trường hợp vi phạm cả vào ban đêm.
Không đội mũ bảo hiểm ban đêm cũng bị phạt ảnh 1
Từ 15/12, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 150.000đ/lần vi phạm

Tăng cường tối đa lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, thì việc quá tải và tình cảnh người vi phạm có thể phải xếp hàng để lấy quyết định xử phạt là điều có thể xảy ra.

Đó là nhận định của thượng tá Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) trong cuộc họp báo chiều ngày 5/12.

Theo ông Hải, từ ngày 15/12 tới, người ngồi trên mô tô hai bánh tại tất cả các tuyến đường đều phải đội mũ bảo hiểm, nếu không, họ sẽ bị phạt với số tiền 150.000đ/lần vi phạm. Không chỉ mất tiền, các cán bộ, công nhân viên chức nếu vi phạm sẽ bị gửi thông báo về cơ quan, địa phương cư trú của mình.

Theo kế hoạch, lực lượng CSGT sẽ tập trung để tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông, trong đó tập trung xử lý mạnh người không đội MBH trên các tuyến đường. Ngoài việc dừng xe xử lý vi phạm về MBH, CSGT sẽ kiểm tra các lỗi khác như: nồng độ cồn có vượt quá quy định, nếu xe không có gương, còi, đèn… cũng bị xử phạt.

Từ 1/1/2008, cũng sẽ đình chỉ lưu hành các phương tiện xe thô sơ 3 bánh các loại và xe công nông. Theo đó, trường hợp điều khiển bị phát hiện sẽ bị xử nặng, đồng thời tịch thu xe và xử lý cơ sở sản xuất phương tiện. Thống kê của CA Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 2.000 phương tiện loại này.

CSGT sẽ bố trí lực lượng như thế nào, khi mà tại các điểm chốt hiện nay lực lượng này đã làm việc rất vất vả, đặc biệt là về đêm?

Theo kế hoạch vào đầu tuần tới, Hà Nội sẽ tổ chức phát động việc người dân đội MBH. Từ ngày 10-14/12, lực lượng CSGT sẽ dừng xe để nhắc nhở người cầm lái không đội MBH, sau đó đúng 6h30 ngày 15/12, sẽ tiến hành xử lý người điều khiển xe máy vi phạm tại 110 chốt và 105 tuyến phố. 

Không đội mũ bảo hiểm ban đêm cũng bị phạt ảnh 2
Thượng tá Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT (CA TP Hà Nội),

Lực lượng CSGT sẽ huy động hơn 400 CSGT bố trí tại các chốt, tuần tra lưu động và thường xuyên luân chuyển qua nhiều vị trí để kiểm tra toàn diện. Đơn vị cũng đang đề xuất bổ sung thêm 80 cảnh sát cơ động để phục vụ việc kiểm tra, xử lý xe vi phạm.

Ngoài ra, các lực lượng khác cũng tham gia vào việc kiểm tra và xử lý việc chấp hành đội MBH của người dân. Chúng tôi sẽ huy động cán bộ chiến sĩ làm trong thời gian tối đa nhất mà Luật Lao động đã quy định. Trước mắt tập trung vào giờ hành chính, sau đó sẽ tuần tra và xử lý cả vào ban đêm.

Có ý kiến cho rằng các tuyến nằm trong nội thành, đặc biệt ở các tuyến phố cổ, xe chạy với tốc độ chậm nếu bắt buộc đội MBH sẽ không hợp lý. Vả lại, việc đội MBH có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân?

Quy định chung không có chuyện ưu ái phố cổ hay phố mới, tất cả những người vi phạm đều sẽ bị xử lý. Người dân ở phố cổ đi ăn sáng hay đi uống café, nếu ngồi trên xe gắn máy đều phải đội MBH.

Nếu nói đội MBH ảnh hưởng sinh hoạt là ngụy biện, bởi việc đội MBH là bảo vệ tính mạng của chính mình. Ở những tuyến đường nội thành mật độ giao thông cao, xe chạy chậm không có nghĩa khi xảy ra tai nạn là không dẫn đến chết người.

Thưa ông, việc ra quân kiểm tra, xử lý đội MBH lần này liệu có “đầu voi đôi chuột”, khi mà nhiều lần ra quân rầm rộ nhưng chưa hiệu quả đạt được như mong muốn?

Với việc tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm, mức phạt tăng nặng thì tôi nghĩ người vi phạm sẽ giảm. Theo tôi để thực hiện triệt để việc này thì không phải chỉ dựa vào xử phạt của CSGT. Điều quan trọng nhất là trong mỗi người dân phải ý thức được việc cần thiết đội MBH để bảo vệ chính bản thân mình. Trong đó, cán bộ, viên chức nhà nước phải là những người làm gương. 

Theo quy trình xử phạt, CSGT sẽ dừng xe và lập biên bản, sau đó người vi phạm phải về đội CSGT để lãnh đạo đội ký quyết định và nhận biên lai xử phạt và đi nộp tiền tại kho bạc. Hoàn tất các việc trên, người vi phạm mới có thể quay về chốt để nhận lại giấy tờ.

Dự tính, do lực lượng tại các chốt chỉ có 3-5 CSGT, mặt khác quy trình ghi biên bản lâu nên chắc chắn sẽ có tình trạng xếp hàng chờ lập biên bản. Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chỉ có 1% các cơ quan, đơn vị có ý kiến phản hồi khi nhận được thông báo nhân viên vi phạm.

MỚI - NÓNG