Không đủ điều kiện phải dừng kinh doanh cây xăng

Không đủ điều kiện phải dừng kinh doanh cây xăng
TP - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng, nói rằng, thành phố đã có phương án di dời các cây xăng mất an toàn ra ngoại thành. Ngoài ra, sẽ cho ngừng kinh doanh những cây xăng không đủ điều kiện.

> Bài 1: Kế hoạch di dời đã có 10 năm
> 'Bom xăng' giăng đầy chung cư cũ

Phải xem cây xăng hay nhà dân có trước

Vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo vừa qua bộc lộ rất nhiều bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội?

Đây là vụ cháy nổ xăng dầu rất nghiêm trọng ở trong một khu dân cư đông đúc. Nhưng cũng phải nói rõ là trạm xăng 2B vừa xảy ra sự cố, hiện tại không phải cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trong quy hoạch, không phải là điểm kinh doanh xăng dầu bán lẻ mà là trạm cấp phát nội bộ của đơn vị quân đội.

Trước năm 2011, trạm đó thuộc Tổng Cty Xăng dầu Quân đội tiến hành kinh doanh, nằm trong mạng lưới kinh doanh xăng dầu chung của thành phố. Tháng 2/2011, đơn vị có thông báo gửi Sở Công Thương về việc ngừng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Việc các cửa hàng xăng dầu hiện tại có vị trí gần với nhà dân, quán ăn, các công trình công cộng..., nhiều ý kiến cho rằng, chưa đảm bảo với các quy chuẩn trong quy hoạch kinh doanh xăng dầu được thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, rất khó để xác định được cây xăng có trước hay nhà dân có trước. Tôi được biết, các cây xăng trước đây của Hà Nội được xây dựng đều có các tiêu chí cụ thể, theo quy hoạch của thành phố.

Nhưng sau đó, nhiều cây xăng không có chỗ xây dựng tường bao làm hành lang PCCC vì nhà dân xây dựng sau, cơi nới... lấn sang cả hành lang an toàn của cây xăng.

Như thế, phải điều tra, xem xét cụ thể, kỹ lưỡng để xác định, cây xăng có trước hay nhà dân có trước. Chẳng hạn, cây xăng Lương Yên (bến xe Lương Yên) trước đây không có nhà cao tầng nào, tuy nhiên sau đó, dự án chung cư được phê duyệt tại đây.

Như thế, không thể kết luận là cây xăng đó vi phạm tiêu chí cách xa công trình dân sinh là bao nhiêu mét. Muốn đánh giá toàn diện phải khảo sát rồi mới kết luận cái nào có trước.

Những cây xăng vi phạm hành lang an toàn, nghĩa là xây dựng sau nhưng không đảm bảo các tiêu chí về khoảng cách với khu dân cư, công trình công cộng, sẽ bị xử lý như thế nào?

Các điểm xăng dầu phải di dời theo dự án chung, công trình công cộng... đã được xác định rồi. Đối với những điểm, cây xăng dầu mà vi phạm hành lang an toàn, chúng tôi sẽ tích cực kiểm tra, rà soát lại.

Nếu vi phạm thì sẽ kiên quyết xử lý, không đủ điều kiện thì sẽ không cho phép tiếp tục kinh doanh. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh doanh.

Việc kiểm tra sẽ tiến hành thường xuyên hơn. Trước, một năm, hai năm mới rà soát, bây giờ sẽ phải rà soát sớm hơn, thường xuyên hơn để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc như cây xăng 2B.

Di dời chậm

Đến cuối năm 2013, sẽ kiểm tra tất cả cây xăng ở Hà Nội
Đến cuối năm 2013, sẽ kiểm tra tất cả cây xăng ở Hà Nội.
 

Vì sao kế hoạch di dời các cây xăng nội đô vẫn chưa được thực hiện?

Trước đây việc quy hoạch chưa thực sự khoa học, không chỉ riêng Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác, có chỗ thì dày quá, có chỗ thưa quá, tìm mãi không thấy điểm mua xăng.

 Sở cũng yêu cầu các quận/huyện lập danh sách cụ thể, thống kê lại các điểm kinh doanh xăng dầu, hiện trạng trên cơ sở phân loại theo quy hoạch của UBND thành phố để làm cơ sở quản lý. Từ nay đến hết 2013 sẽ kiểm tra tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu trong thành phố”.  

Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Đó là những tồn tại của thời điểm trước đây, tất cả các điểm đó phải rà soát lại. Về mặt chuyên môn, tôi thấy một điểm có nhiều vòi bơm xăng, có những điểm ít vòi bơm. Căn cứ vào lượng xăng dự trữ, số cột vòi bơm, lưu lượng phương tiện đi lại trên tuyến đường đó để phân bố số lượng cây xăng cho phù hợp.

Còn đối việc di dời các cây xăng theo kế hoạch, đúng là triển khai hơi chậm. Tuy nhiên, cũng phải nói đây là vấn đề cần phải có điều tra và nghiên cứu giữa nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu đi lại và khả năng cung cấp dịch vụ thương mại.

Việc di dời các cây xăng cần cân nhắc điểm nào giữ lại, điểm nào nên di dời, nhưng nếu di dời hết thì phục vụ nhu cầu người dân trong nội thành ra làm sao? Đó là một bài toán cần cân nhắc. Cũng giống như câu chuyện tại các chung cư của chúng ta.

Có những chung cư chưa được trang bị đường ống dẫn khí, các hộ dân vẫn phải dùng các bình gas nhỏ. Nói như thế là để hiểu, cần phải cân nhắc trên nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp dịch vụ.

Còn đối với những cây xăng không đủ điều kiện bị người dân kiến nghị di dời?

Chúng tôi chưa nhận được những kiến nghị đó, có thể những kiến nghị đó là kiến nghị với doanh nghiệp, với chính quyền sở tại. Trong thời gian kiểm tra, chúng tôi không nhận được kiến nghị nào.

Nhưng nếu có, chúng tôi sẽ ghi nhận, xem xét; nếu đúng là phải di dời thì sẽ phải di dời. Qua sự việc này, không chỉ riêng một cơ quan nào phải rút kinh nghiệm cả, mà các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp... đều phải rút kinh nghiệm trong góc độ quản lý của mình.

Quy hoạch hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030 đang được thực hiện như thế nào?

Sở Công Thương đã công bố quy hoạch rộng rãi, cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố biết lộ trình, tiến độ thực hiện; các nội dung quy hoạch trên cơ sở phân loại, quy định các điểm kinh doanh xăng dầu nào phải di dời, dẹp bỏ, phải cải tạo, nâng cấp...

Các cây xăng thuộc diện cải tạo, nâng cấp đã kiểm tra đợt 1, đợt 2 sẽ tiếp tục kiểm tra, sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ cây xăng trong thời hạn cụ thể bao nhiêu ngày phải cải tạo, nâng cấp xong; những cây xăng được phép tồn tại bình thường thì vẫn kiểm tra định kỳ...

Việc kiểm tra không chỉ tiến hành riêng đối với các điểm kinh doanh xăng dầu mà kiểm tra cả các cửa hàng gas, khí hóa lỏng... có tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước hay không. Hiện tại, số lượng cửa hàng rất lớn (gần 500 cửa hàng), nên chúng tôi chưa cùng một lúc kiểm tra hết được.

Cảm ơn ông.

Hà Nội thu giấy phép cây xăng không an toàn

UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp lực lượng công an kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở Công Thương chủ động phối hợp lực lượng cảnh sát PCCC xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (trước mắt tập trung thực hiện tại các cửa hàng xen kẽ trong khu vực đông dân cư, các cửa hàng trong danh mục phải cải tạo, nâng cấp), kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Về việc điều tra liên quan vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC cho hay, do cây xăng là đơn vị kinh doanh thuộc quân đội, nên thẩm quyền điều tra thuộc về các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng.

 

Tú Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG