Không được can thiệp vào hoạt động kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị Ảnh: Như Ý
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 8/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc hoạt động của kiểm toán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Bà Ngân khẳng định không ai dám gọi điện, can thiệp vào báo cáo kiểm toán.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2019 gần 73.000 tỷ đồng, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

Bà Ngân cho rằng, KTNN đã thể hiện rõ nét vai trò của mình, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Khẳng định sự tin tưởng vào các báo cáo kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò độc lập của cơ quan kiểm toán. “Chưa bao giờ tôi can thiệp vào báo cáo kiểm toán, chưa bao giờ tôi chỉ đạo phải thế này, phải thế kia. Tất cả báo cáo kiểm toán, nếu có ý kiến khác nhau, bao giờ tôi cũng ghi KTNN hoạt động độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả và kết luận của mình… Cũng chưa có một lãnh đạo nào dám điện thoại, đề nghị Quốc hội chỉ đạo kiểm toán nói nhè nhẹ một chút”, bà Ngân cho hay.

Đề cập đến vấn đề đạo đức công vụ, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ ra căn “bệnh” chung của cán bộ điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là chưa làm đã coi người ta như có vi phạm, gây tâm lý rất nặng nề. Bà lưu ý kiểm toán viên cần tôn trọng, đặt mình vào địa vị của chính người được kiểm toán. Đồng thời cần tuân thủ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhưng không để bỏ lọt tội phạm, sai ở đâu, sai như thế nào thì phân tích cho kỹ, sau đó căn cứ vào quy định pháp luật để kết luận.

“Những năm gần đây, vị thế của KTNN ngày càng được đề cao, quyền hạn, trách nhiệm đã được nâng lên. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn Kiểm toán Nhà nước phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm của cơ quan kiểm tra tài chính công”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chuyển điều tra 5 vụ, kiến nghị xử lý 29 trường hợp

Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết, tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 31/12/2019 là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 10.276 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí. Đến hết năm 2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỷ đồng, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính.

Qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Đáng lưu ý trong năm 2019, KTNN đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định. 

MỚI - NÓNG