Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha:

Không được định hướng bầu cho người này, người kia

Ông Nguyễn Văn Pha. Ảnh: Trường Phong.
Ông Nguyễn Văn Pha. Ảnh: Trường Phong.
TP - Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, về cơ bản công tác chuẩn bị bầu cử đã hoàn tất. “Các địa phương tuyệt đối không được can thiệp vào việc định hướng cho cử tri bầu cho người này, người khác”, ông Pha nói.

Ông có nhận định gì về các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp vừa diễn ra?

Qua báo cáo của các địa phương gửi về, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri tốt hơn những lần trước. Số cuộc tiếp xúc cử tri tuy không tăng nhưng cử tri tham dự đông. Tại các hội nghị, sự trao đổi qua lại, chất vấn của cử tri một số nơi làm rất tốt. Tất nhiên, ở một số nơi số cử tri tham dự ít, trao đổi qua lại giữa các ứng cử viên và cử tri không được phong phú.

Theo luật thì việc vận động bầu cử sẽ kết thúc 24 giờ trước giờ bỏ phiếu. Hội nghị tiếp xúc cử tri về cơ bản các địa phương đã làm xong, nhưng hình thức vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn tiếp tục. Đài, báo của các tỉnh, thành phố lần lượt công bố chương trình hành động của các ứng cử viên để cử tri hiểu rõ hơn.

Một số địa phương có thêm hình thức mạn đàm tiểu sử những người ứng cử. Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội có hỏi MTTQ và Hội đồng Bầu cử Quốc gia về hình thức mạn đàm tiểu sử. Vì lý do bầu cùng một lúc 4 cấp nên có nhiều người ứng cử, việc mạn đàm tiểu sử tạo cho cử tri có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về ứng cử viên.

Trong văn bản gửi Hà Nội, chúng tôi cũng nêu rõ, việc mạn đàm tiểu sử giúp cử tri hiểu tường tận hơn, rõ hơn về người ứng cử, về chương trình hành động của họ, tuyệt đối không được can thiệp vào việc định hướng cử tri bầu cho người này, người khác. Các địa phương đã quán triệt và làm tốt.

Theo ông, chương trình hành động của các ứng cử viên đã cụ thể và sát với mong muốn, nguyện vọng của cử tri chưa?

Qua theo dõi, tôi thấy hầu hết chương trình hành động của những người ứng cử khá gọn, cụ thể, thiết thực. Họ không hứa những thứ không thuộc thẩm quyền của mình cũng như quá khả năng của mình. Thậm chí cũng có người ứng cử ĐBQH ở một tỉnh phía Nam hỏi, tôi hứa với cử tri là nếu trúng cử sẽ ủng hộ cho cử tri một số tiền cụ thể để làm một số chương trình phúc lợi. Tôi hỏi lại có chắc chắn làm được không? Anh ấy bảo chắc chắn làm được. Tôi bảo nếu thế cũng có thể công bố trước cử tri. Nếu anh hứa mà không làm được, trong nhiệm kỳ giám sát sẽ bị bãi nhiệm.

Lần này cũng ít lời hứa chung chung. Tất nhiên, vẫn có những  lời hứa ai cũng cần phải hứa như thường xuyên lắng nghe, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến cơ quan nhà nước…

Những cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ sẽ bầu cử thế nào, thưa ông?

Vấn đề này các địa phương rất chủ động. Nơi nào có đông cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ như TPHCM có thể thành lập một đơn vị bầu cử ở ngay cơ quan công an, trại tạm giam, tạm giữ. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ sẽ bầu ở đó. Còn ở hầu hết các địa phương thì người bị tạm giam, tạm giữ sẽ được lập danh sách cử tri tại địa phương có nơi tạm giam, tạm giữ. Hòm phiếu phụ sẽ mang vào nơi tạm giam, tạm giữ. Vì người bị tạm giam, tạm giữ không được phép ra ngoài. Ở Quảng Ninh, Hải Phòng đã phát trước tiểu sử của các ứng cử viên cho người bị tạm giam, tạm giữ nghiên cứu trước khi bầu. Quyền của họ đều được đảm bảo.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.