Không được tăng giá điện năm 2014: EVN kêu khó

Biểu đồ: Trung Dũng. Ảnh: Như Ý
Biểu đồ: Trung Dũng. Ảnh: Như Ý
TP - Tại cuộc họp báo công bố giá thành điện năm 2013 chiều 30/12, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu khó vì không được tăng giá điện trong năm 2014. Theo thông tin của Tiền Phong, Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN tính toán lại giá thành, phương án đề xuất tăng giá điện trong năm tới.

Khó nhưng vẫn phải tăng biên chế

Liên quan đến vấn đề giá dầu hiện đã giảm nhiều, nhưng EVN vẫn đề xuất tăng giá điện, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, một trong những yếu tố quan trọng trong giá thành điện là khâu phát điện. Mấy tháng gần đây giá dầu có giảm nhưng giá khí trong đã tăng theo lộ trình, tỷ giá có thay đổi nên EVN muốn tăng giá điện phải dựa trên số liệu thực tế.

Lý giải về chi phí ngành điện trong năm tới, theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, nếu giá dầu sắp tới giảm tiếp xuống 40 USD/thùng như dự báo, ngành điện sẽ rất nhẹ gánh trong việc trả tiền mua khí. Tuy nhiên, trong năm tới, việc cung cấp điện cho miền Nam khả năng sẽ rất căng thẳng. Nếu phụ tải khu vực này tăng quá nhanh, EVN sẽ phải đổ dầu vào đốt. 

“Khi đó sẽ là thảm họa. Hiện giá thành điện sản xuất từ dầu là hơn 5.000 đồng/kWh, nhưng EVN chỉ bán được hơn 1.500 đồng/kWh, là không chịu nổi. Do vậy, năm 2015, EVN kêu gọi tiết kiệm điện, nhất là miền Nam vì một loạt nhà máy nhiệt điện chưa vào vận hành được. Nguy cơ thiếu điện là rất cao”, ông Tri nói.

Về việc ngành điện phải xin tăng giá bán do “cõng” số nhân công “thừa” tới hàng nghìn người, chưa kể năng suất lao động thấp, ông Tri cho biết, hệ thống điện lưới đầu tư lớn, chi phí tốn kém. Các Cty phân phối từ 110 Kv, 35 KV, rồi hạ áp xuống bán cho người dân, DN. 

“Chưa kể, vì người kinh doanh phải đến lắp công tơ, thu tiền điện và làm các dịch vụ khác tới 22 triệu khách hàng. Năm 2014, chủ trương EVN không tăng biên chế. Tuy nhiên, việc đó chỉ duy trì được 6 tháng đầu năm, vì một loạt các trạm 110 Kv, 220 KV mới, không thể không người vận hành, trực, buộc chúng tôi phải bổ sung biên chế theo quy định”.

Lãnh đạo EVN cũng thừa nhận, hiện năng suất lao động ngành điện của Việt Nam chỉ đứng thứ 3 ở Đông Nam Á (năng suất lao động trong ngành điện Việt Nam hiện chỉ bằng 40% Thái Lan, bằng 60% Malaysia, 10% Singapore). “Mục tiêu của EVN là đến năm 2020, năng suất trên phải bằng các nước tiên tiến trong khu vực”- ông Tri phân trần.

Kiểm tra giá thành điện: Dựa trên giấy tờ của EVN cung cấp

Trước đề nghị của báo giới về việc đánh giá tính tác động của giá điện cũng như thông tin về tính minh bạch của giá thành điện, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) tiết lộ những thông tin “đáng ngờ” về tính xác tín về giá thành điện năm 2013 của EVN được công bố tại cuộc họp báo.

Theo ông Đỗ Gia Phan, đại diện Vinatas, tổ công tác đã kiểm tra giá thành điện của EVN năm 2013 chỉ căn cứ vào các tài liệu kiểm toán do EVN cung cấp. “Chúng tôi chỉ nghiên cứu xem các báo cáo do EVN cung cấp đó có minh bạch hay không”, ông Phan cho biết. 

“Ngay cả việc đi kiểm tra thực tế cũng diễn ra tại những đơn vị do EVN chỉ định”. Những thông tin trên khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đoàn công tác có bị EVN “qua mặt” bằng cách chỉ đưa ra các tài liệu có lợi cho ngành điện?

Chưa tăng giá điện trước Tết Nguyên đán

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, trong các năm 2011-2012, EVN thua lỗ 12.000 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ đồng. Đến nay số lỗ do chênh lệch tỷ giá vẫn còn lại 8.800 tỷ đồng. Hiện toàn bộ lỗ sản xuất kinh doanh của ngành điện đến nay đã được bù hết. Dù đã hết năm, nhưng hiện ngành điện vẫn chưa có số liệu chính thức về mức lãi ước tính của năm 2014.

Không được tăng giá điện năm 2014: EVN kêu khó ảnh 1 Lãnh đạo EVN thừa nhận năng suất lao động ngành điện thấp hơn nhiều nước. Ảnh: như ý
Đại diện ngành điện cũng cho rằng, do không tăng giá điện trong 2014 nên một loạt các chi phí chưa được tính vào giá thành khiến ngành điện cũng gặp khó khăn. 
Cụ thể, việc điều chỉnh giá than cho sản xuất điện khiến chi phí tăng thêm của ngành điện lên tới 2.271 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giá khí vượt mức bao tiêu cũng khiến đội chi phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tỷ giá không biến động nhiều nhưng cũng khiến chi phí của EVN tăng thêm 128 tỷ đồng. Điểm mừng, nhờ huy động thủy điện nhiều hơn mọi năm nên ngành điện giảm chi phí được 2.055 tỷ đồng.

Cùng đó, EVN phải nộp thêm 1.504 tỷ đồng và 166 tỷ đồng khác do tăng thuế tài nguyên nước từ 2% lên 4% và trả phí cho môi trường. Chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng làm hao hụt thêm 1.019 tỷ đồng. Tổng cộng lại, chi phí tăng thêm của ngành điện trong năm nay lên tới 15.000 tỷ đồng.

Theo ông Tri, giá điện năm tới điều chỉnh thế nào luôn là câu hỏi nóng. Năm 2014 chúng tôi không tăng giá. Còn từ nay đến Tết chắc chắn sẽ không tăng giá điện.

“EVN đã phải xử lý các chi phí tăng thêm trong năm 2014 nói trên bằng cách đề xuất tăng giá điện nhưng Chính phủ chưa cho. Còn lương thưởng của cán bộ EVN năm 2014 thế nào thì phải đợi quyết toán tài chính. Nếu có lợi nhuận, lúc đó mới có đủ lương. Như tôi đã báo cáo, để EVN có lợi nhuận, chúng tôi sẽ phải xin Chính phủ một loạt cơ chế như chưa cho hạch toán 8.800 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước vào giá điện. Nếu đưa vào luôn trong năm nay thì sẽ lỗ luôn, không còn đồng nào”, ông Tri nhấn mạnh.

Về việc có tính các chi phí đầu tư xây dựng bể bơi, sân tennis mà ngành điện đã thanh toán cho các đối tác trong quá trình xây các công trình điện, trả lời Tiền Phong, ông Tri cho biết, Bộ Tài chính cách đây vài ngày vừa có văn bản số 485 hướng dẫn EVN, phải lấy tiền từ Quỹ phúc lợi để chi trả chứ không được tính vào giá điện.

Yêu cầu EVN xây dựng lại phương án đề xuất tăng giá điện

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, Bộ Công Thương vừa có yêu cầu EVN phải tính toán lại giá thành của ngành điện; đồng thời xây dựng lại phương án đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới cho phù hợp với diễn biến tình hình. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực xác nhận, việc yêu cầu EVN tính toán lại giá thành trong phương án điều chỉnh giá điện là đúng. Lý do là từ thời điểm ngành điện xây dựng phương án giá điện đến nay, diễn biến thị trường đã có nhiều thay đổi. 

Trong đó, những yếu tố đầu vào đã thay đổi rất nhiều. “Giá than trong nước cũng chưa thay đổi theo giá dầu trong khi giá dầu giảm khá mạnh thời gian vừa qua, tỷ lệ huy động thủy điện cũng cao nên EVN phải tính toán lại”, vị này nói.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.