Không được tạo rào cản trong phát triển CNTT

Không được tạo rào cản trong phát triển CNTT
Chiều 23/8, UB Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến vào dự thảo Luật CNTT. Đây là dự luật sẽ đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự Luật CNTT được chuẩn bị nhằm tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực CNTT, thúc đẩy ứng dụng CNTT (coi đó là một nhiệm vụ  ưu tiên trong  phát triển KT - XH), đồng thời quy định những điều kiện đảm bảo phát triển công nghiệp  CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các ý kiến đóng góp của UB TVQH đều đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật này sớm. Tuy nhiên, vấn đề là Luật phải quy định được việc ưu tiên chính sách và nguồn lực để CNTT phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ nhiệm UB KH - CN&MT của Quốc hội Hồ Đức Việt cho rằng Luật phải tháo gỡ được các rào cản, thúc đẩy ứng dụng CNTT rộng rãi trong xã hội. Bởi thế khuôn khổ pháp lý phải thông thoáng và cởi mở, không nên yêu cầu doanh nghiệp, người dân phải xin phép quá nhiều như trong dự thảo luật.

Hoặc một số quy định  trong dự thảo luật chưa sát thực tiễn, khó thực hiện (quy định trách nhiệm phải báo cáo các vi phạm pháp luật trên môi trường điện tử; nội dung thông tin cá nhân được lưu trữ tạm thời; trách nhiệm cung cấp thông tin lưu trữ; trách nhiệm của nhà cung cấp khi biết thông tin tìm kiếm trái pháp luật...). 

Tiến sĩ Mai Anh - Phó Chủ tịch Hội Tin học VN - khách mời phiên họp cho rằng: “Viết Luật CNTT là rất khó vì CNTT và truyền thông (tích hợp cả phát thanh, truyền hình, báo chí trên Internet) rất khó tách riêng CNTT, còn nếu luật điều chỉnh đủ cả thì lại là một luật khổng lồ”.

Và ông đưa ra một đề nghị: Những quy định mang tính rào cản không nằm trong CNTT (những  rào cản đều nằm ở  lĩnh vực viễn thông đã có quy định ở Nghị định về Internet...) thì nên loại ra khỏi dự luật này.

Một số ý kiến cho rằng, quy định trong dự thảo luật về  chức năng quản lý Nhà nước chỉ giao riêng cho Bộ BCVT thì trách nhiệm quá lớn, không khả thi; đồng thời cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần đề ra những nguyên tắc  quản lý sao cho hiệu quả, minh bạch, công khai, tránh lãng phí trong đầu tư phát triển CNTT.

Trước đó, sáng 23/8, UB TVQH đã thảo luận góp ý cho dự thảo Pháp lệnh Cựu chiến binh. Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã yêu  cầu Ban soạn thảo Pháp lệnh phải tiếp thu, sửa chữa và phải có cuộc bàn bạc với Bộ LĐ - TBXH, xin ý kiến Chính phủ về nguồn lực tài chính để pháp lệnh đi vào cuộc sống được sau khi ban hành.

UB TVQH sẽ thông qua pháp lệnh này vào buổi cuối cùng của phiên họp lần thứ 32 này (ngày 27/8).  

MỚI - NÓNG