Không gian đô thị Hà Nội: Không thể để ngày càng méo

Không gian đô thị Hà Nội: Không thể để ngày càng méo
TP - Trước đây, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra định hướng mà tôi cho là rất đúng: Không tăng sự đậm đặc trong xây dựng ở trung tâm, khu vực này cần cải tạo, mật độ xây dựng lớn đưa ra ngoài. Tuy nhiên, Hà Nội không làm như vậy...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nói.

Tiền Phong có cuộc trao đổi với KTS Nguyễn Tấn Vạn về phát triển không gian đô thị ở Hồ Gươm và Hà Nội.

“Hà Nội có một số không gian rất đặc biệt như các khu phố cổ, Hồ Tây, khu phố cũ (chủ yếu nằm ở phía nam  Hồ Gươm). Hồ Gươm là không gian đặc biệt và linh thiêng liên kết giữa khu phố cổ và phố cũ. Khu trung tâm chính trị Ba Đình với nhiều dấu ấn lịch sử. Không có Hồ Gươm không còn là Hà Nội nữa!” - KTS Vạn nói.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng quản lý và phát triển không gian đô thị Thủ đô hiện nay?

Lâu nay quy hoạch của chúng ta chủ yếu là quy hoạch mặt bằng. Trong rất nhiều bản vẽ quy hoạch, người ta chưa quan tâm đến không gian ba chiều mà mới chỉ quan tâm đến mặt bằng sử dụng đất, con đường đi đến đâu...

Thậm chí những quy định trong đồ án quy hoạch về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng nhiều khi tính toán theo cảm tính nhiều hơn là dựa trên cơ sở khoa học.

Các dự án nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên ngay trung tâm. Không gian kiến trúc nhiều khu phố cũ của Hà Nội bị méo mó vì nhà cao tầng ngày càng nhiều, mật độ xây dựng lớn, chạy theo lợi nhuận và kinh doanh.

Ví như phố Lò Đúc chật chội, nhưng lại cho xây dựng tòa cao ốc mấy chục tầng. Đô thị đẹp không phải chỉ do quy hoạch mặt bằng, mật độ xây dựng thế nào mà quan trọng hơn phải tính toán không gian ba chiều. Không chỉ ở những khu phố cổ, phố cũ làm tùy tiện, những khu phố mới (trục đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng) cũng tuỳ tiện không kém.

Không phải là phép cộng từ các nhà đẹp

Không gian đô thị Hà Nội: Không thể để ngày càng méo ảnh 1
Góc Hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Yên

Cần làm gì với không gian đô thị Hà Nội, thưa ông?

Đô thị Hà Nội phát triển không nên rập khuôn theo Hàn Quốc, châu Âu hay bất cứ nước nào.

Phải xuất phát từ lịch sử, từ đặc sắc của văn hóa, kiến trúc Hà Nội. Đáng ra, Hà Nội phải tôn trọng các khu phố mà người Pháp xây dựng và đưa các nhà đầu tư ra các khu vực khác để bảo tồn và phát triển các khu phố đặc trưng, những tuyến phố nhiều dấu ấn về kiến trúc, lịch sử. Hà Nội thâm nghiêm sẽ ra sao nếu các khu biệt thự xây kiểu Pháp nằm trong vườn cây giàu cá tính bị xóa đi?

Nếu không quyết liệt giữ lấy những nét riêng của Hà Nội, sau này chúng ta sẽ chỉ còn biết ngồi mà tiếc nuối! Theo tôi để bảo vệ những không gian kiến trúc quan trọng của Hà Nội, cần nghiên cứu thật kỹ, xây dựng thể chế rõ ràng, càng chi tiết càng tốt và coi đó là nguyên tắc bắt buộc đối với cả nhân dân và nhà quản lý. Không ai được phép tự đặt ra quyền điều chỉnh; không ai được đứng ngoài cuộc  hoặc tàn phá không gian đô thị Hà Nội!

Cảm ơn ông!

Nên dành cho cộng đồng, du lịch

“Hồ Gươm, cảnh quan độc nhất vô nhị. Kiến trúc Hồ Gươm rất gần gũi với con người, hài hoà với cây cảnh, mặt nước, với mái nhà, những cái khuôn cửa rất vừa phải.

Một số công trình mới xây dựng đang phá không gian đẹp hài hoà đến từng mét ấy bằng những vòm cửa rộng thật hoành tráng, những gờ chỉ nặng nề. Hồ Gươm có những góc nhìn cần được khai thác, mở rộng.

Có một thời chúng ta nặng tư duy cứ nơi nào cảnh đẹp thì dành cho các cơ quan quyền lực. Những nơi đó cần dành cho cộng đồng, cho du lịch và những sinh hoạt lớn. Nhiều cơ quan trung ương, cơ quan của thành phố không cần cứ phải ở gần Hồ Gươm!”- Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn

Minh Tuấn
Thực hiện

MỚI - NÓNG