Không lấy lý do chống gian lận thương mại để níu giữ quyền lực

Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành không được lấy lý do chống gian lận thương mại để níu giữ quyền lực của hải quan, cơ quan kiểm tra, tiếp tục gây nhũng nhiễu trong xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Sáng 9/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi cho phát triển thương mại. Theo báo cáo, thời gian qua có 47 thủ tục được đưa vào diện một cửa quốc gia, tăng 64% so với năm 2016 và sắp nâng lên 60 thủ tục trong thời gian tới.

Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ xuống còn 55 giờ; hàng nhập khẩu giảm 6 giờ xuống còn 56 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD (xuất, nhập khẩu) tính tới 15/12/2017. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là tình trạng một mặt hàng chịu sự kiểm tra của 3 bộ. “Nếu đi vào chống gian lận thương mại thì Chính phủ hoan nghênh, nhưng phải thực chất. Không được lấy lý do chống gian lận thương mại để níu giữ quyền lực của hải quan, cơ quan kiểm tra; tiếp tục gây nhũng nhiễu trong xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng với những bộ, ngành đã ban hành danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành nhưng không ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Như vậy có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Phải công bố cho người dân biết, không để mờ mờ ảo ảo, muốn kiểm tra cái gì, kiểm tra như thế nào cũng được. Thế này là bày thủ tục hành doanh nghiệp chứ có phải bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo thuận lợi thương mại đâu!”, ông Huệ lưu ý và nhấn mạnh tinh thần càng kết nối dữ liệu điện tử càng minh bạch, không có bế quan tỏa cảng, tiêu cực sách nhiễu.

Chính phủ yêu cầu các bộ phải tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, nghiên cứu thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt cần tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ vị thế độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ tiếp tục rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo. Đồng thời, danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan phải được thu hẹp và chuyển sang quản lý rủi ro, hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành...

Năm 2017, Hải quan và Cảnh sát xử lý hơn 290 vụ vi phạm

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, ngành này và Tổng cục Cảnh sát đã phối hợp, triệt phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó góp phần không nhỏ vào bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Cụ thể, hai lực lượng đã tổ chức đấu tranh, phát hiện 290 vụ vi phạm pháp luật, bắt giữ 219 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 13,5 tỷ đồng.

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG